Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ truyền thống tốt đẹp gần 70 năm qua và đang phát triển hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, môi trường…
Nhờ đó, quan hệ thương mại giữa hai nước những năm gần đây có bước phát triển tích cực. Cộng hòa Séc hiện nằm trong danh sách những thị trường xuất khẩu và là đối tác thương mại chiến lược của Việt Nam tại Đông Âu, ngược lại Việt Nam cũng được xem là thị trường tiềm năng hàng đầu của Séc.
Năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Cộng hòa Sécđạt gần 300 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Séc đạt hơn 156 triệu USD và nhập khẩu hơn 140 triệu USD. Tín hiệu tích cực là cán cân thương mại giữa hai nước đang ngày càng cân bằng hơn khi mức thâm hụt thương mại của Séc đã giảm từ 93 triệu USD năm 2015 xống hơn 15 triệu năm 2018.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Séc các sản phẩm như điện thoại di động và linh kiện, giày dép, hàng dệt may, nông thủy sản…; trong đó giày dép chiếm tỷ trọng lớn và thủy sản đang có xu hướng tăng. Trong khi Cộng hòa Séc xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng như hóa chất,, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng, dược phẩm, chất dẻo…
Về đầu tư, Cộng hòa Séc hiện có 38 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD. Việt Nam có 4 dự án đầu tư vào Cộng hòa Séc. Bên cạnh đó, Việt Nam - Cộng hòa Séc còn cũng có nhiều điều kiện bổ sung cho nhau để thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, an ninh quốc phòng, văn hóa - du lịch…
Dù vậy, ông Võ Tân Thành cho rằng, những kết quả trên chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của hai bên. Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư song phương, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 1 tỷ USD.
Cùng quan điểm, ông Richard Brabec, Bộ Trưởng Bộ Môi trường Cộng hòa Séc cho rằng, hợp tác thương mại , đầu tư giữa Việt Nam - Cộng hòa Séc đang có bước tiến tích cực nhưng chưa tương xứng với những tiềm năng và lợi thế mà hai nước đang có. Cộng hòa Séc coi Việt Nam là thị trường chiến lược và là cửa ngõ quan trọng để tiếp cận khu vực ASEAN, chính vì vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Séc quan tâm và tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông Richard Brabec, thời gian tới, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển thương mại, đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp Séc tại Việt Nam cũng như những doanh nghiệp Việt Nam phát triển tại Séc nói riêng, EU nói chung. Thêm vào đó, đầu năm 2020 Việt Nam và Cộng hòa Séc sẽ mở đường bay thẳng từ Hà Nội đến Praha (Thủ đô Cộng hòa Séc), tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thương và thúc đẩy phát triển du lịch lẫn nhau.
Ông Jaroslov Hanak, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc chia sẻ, doanh nghiệp Séc có thế mạnh trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, khai thác khoáng sản, dầu khí và các công nghệ ứng dụng như công nghệ sinh học, công nghệ nano, xử lý môi trường.
Đây là những lĩnh vực mà cả Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm phát triển. Ngoài ra, các dịch vụ về tài chính, bảo hiểm, công nghệ thông tin của Cộng hòa Séc cũng rất phát triển và có thể hợp tác, hỗ trợ tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Séc đánh giá cao tốc độ tăng trưởng và sự năng động của nền kinh tế của Việt Nam những năm gần đây và xác định Việt Nam là khu vực thị trường hấp dẫn cho cả hoạt động thương mại lẫn đầu tư. Cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu của hai nước cũng mang tính bổ sung rất tốt cho nhau, trong khi Việt Nam phát triển sản xuất thì Séc có thế mạnh về chế tạo, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ.
Việc đẩy mạnh hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Séc không chỉ mang lại lợi ích cho hai quốc gia mà còn góp phần thiết lập cầu nối hợp tác giữa hai khu vực kinh tế quan trọng là ASEAN và EU trong thời gian tới.