Cụ thể, Thái Bình có tỷ lệ diện tích lấy nước đạt cao nhất là 98%, tiếp theo là Nam Định 96%, Hà Nam 96%, Ninh Bình 95%, Phú Thọ 87%, Hải Dương 79%, Hải Phòng 74%, Bắc Ninh 74%, Vĩnh Phúc 71%, Hưng Yên 58%, Hà Nội 57%.
Về tình hình nguồn nước, tính đến 15 giờ ngày 2/2, mực nước trung bình trong ngày tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,63 m, cao nhất lúc 8 - 9 giờ đạt 1,84 m.
Với mực nước trong ngày 2/2, các công trình thủy lợi đã được sửa chữa, nâng cấp hạ thấp cao trình lấy nước và các trạm dã chiến tiếp tục đủ điều kiện vận hành. Các địa phương đang tổ chức vận hành tối đa công trình thủy lợi để lấy nước.
Riêng các công trình cố định chưa được đầu tư, sửa chữa nâng cấp như trạm bơm Trung Hà, Phù Sa (Hà Nội); các cống Cẩm Đình, Liên Mạc (Hà Nội), Long Tửu (Bắc Ninh) không đủ điều kiện vận hành lấy nước (tình trạng này thường xuyên diễn ra trong những năm gần đây).
Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác vận hành tối đa các phương tiện lấy nước để đưa nước lên ruộng, phấn đấu hoàn thành kế hoạch lấy nước trong đợt 2. Ngoài ra, tích trữ vào hệ thống kênh mương, các vùng trũng, ao, hồ.
Tổng cục Thủy lợi cũng đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị liên quan vận hành tối đa công suất phát điện các nhà máy thủy điện để tăng cường nguồn nước về hạ du, nâng mực nước tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt trung bình khoảng 1,8 - 1,9 m, tạo điều kiện nâng cao hiệu suất lấy nước của các công trình thủy lợi.
Cùng với đó, cung cấp nguồn điện đảm bảo, ổn định để các địa phương có thể vận hành các công trình trong suốt thời gian lấy nước.
Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, Tổng cục Thủy lợi đề nghị tăng cường các giải pháp đẩy nhanh tiến độ lấy nước, dần theo kịp tiến độ lấy nước chung của khu vực.
Đợt 2 lấy nước dự kiến sẽ kéo dài đến 24 giờ ngày 8/2.