Hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 150 đại diện các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường Ấn Độ. Đây là sự kiện do Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức thu hút sự tham gia đông đảo nhất của các doanh nghiệp.
Tại hội thảo, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, ông Bùi Trung Thướng, người có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Ấn Độ, đã cung cấp thông tin tổng quan và chi tiết cùng các lời khuyên hữu ích cho các doanh nghiệp. Trong đó, ông giới thiệu các nguồn thông tin đáng tin cậy, bao gồm các trang web và cổng thông tin như www.indiantradeportal.in, agriexchange.apeda.gov.in, mca.gov.in, dgft.gov.in… để các doanh nghiệp có thể tìm hiểu về yêu cầu và quy định của Ấn Độ, tìm kiếm và kiểm tra thông tin đối tác.
Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng cũng trình bày quy trình thực hiện giao dịch, bắt đầu từ khi nhận được yêu cầu cho đến khi thanh lý hợp đồng và giải thích các điều khoản quan trọng trong hợp đồng, quy trình giao nhận hàng hóa, thanh toán và cách xử lý khi phát sinh tranh chấp. Nhờ đó, các doanh nghiệp có được cái nhìn tổng quan về quy trình và biết cách xử lý các tình huống phức tạp có thể xảy ra trong quá trình giao dịch với đối tác Ấn Độ.
Ngoài ra, ông Bùi Trung Thướng cũng đưa ra những lưu ý quan trọng cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp xúc và giao dịch với doanh nghiệp Ấn Độ, bao gồm việc nắm thông tin chi tiết của đối tác Ấn Độ như: tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số xuất nhập khẩu (IEC), mã số doanh nghiệp, mã số thuế GST, số điện thoại, địa chỉ email… Đây là những thông tin quan trọng để kiểm tra đối tác và là cơ sở để thực hiện khiếu nại khi có tranh chấp. Thường xuyên duy trì liên lạc với đối tác, nghiên cứu kỹ quy trình chuyển hàng và chuyển giao trách nhiệm dựa trên Incoterms 2020; chú ý chuyển hóa các trao đổi, thống nhất giữa hai bên qua tin nhắn, điện thoại thành văn bản, qua email. Ngoài ra, ông khuyến nghị doanh nghiệp mua bảo hiểm hàng hóa và hàng hải để giảm thiểu rủi ro trong quá trình giao dịch.
Chất lượng hàng hóa và các tiêu chuẩn cũng là một nội dung quan trọng được Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng nhấn mạnh. Trong đó, hàng hóa công nghiệp và hàng tiêu dùng cần phải đáp ứng tiêu chuẩn của Cục Tiêu chuẩn Ấn Độ (BIS), trong khi hàng thực phẩm cần chứng nhận của Cục Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI). Điều này nhằm đảm bảo rằng các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ.
Một khía cạnh quan trọng khác mà ông Bùi Trung Thướng đề cập tại hội thảo là Chứng nhận Xuất xứ (CO). Ông thông báo rằng Ấn Độ đã áp dụng quy định mới về thủ tục hải quan về chứng nhận xuất xứ từ năm 2020, trong đó có quy trình yêu cầu xác nhận lại CO của hàng hóa có xuất xứ từ các quốc gia đã ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Ấn Độ. Để hưởng ưu đãi từ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA), các doanh nghiệp Việt Nam cần khai báo chứng nhận xuất xứ theo mẫu AI và chú ý lưu giữ bộ hồ sơ xin CO để có thể phía Ấn Độ yêu cầu thủ tục kiểm tra lại sau này.
Hội thảo tiếp theo dự kiến sẽ hướng dẫn kỹ hơn về cách thức kiểm tra thông tin đối tác ở Ấn Độ, hướng dẫn giải quyết tranh chấp, khiếu nại và cách phòng tránh. Thông tin cụ thể sẽ được đăng tải trên trang mạng của Bộ Công Thương.