Hoạt động khai khoáng nhìn từ Hà Giang: Bài 1- Cần chấn chỉnh công tác quản lý

Hoạt động khai thác khoáng sản tại Hà Giang dù có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương nhưng cũng có tác động tiêu cực tới môi trường làm suy thoái tài nguyên rừng và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác cho xã hội.

Hà Giang là một trong những tỉnh được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, với 215 điểm mỏ, 28 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có 4 loại khoáng sản quan trọng, có trữ lượng lớn như quặng sắt, chì kẽm, mangan và antimon. Song việc quản lý và khai thác còn lỏng lẻo không những làm thất thoát tài nguyên, mà còn gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

"Lợi bất cập hại”

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh Hà Giang, hiện nay trên địa bàn có 54 mỏ và điểm mỏ đã được UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác cho 44 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, chế biến khoáng sản.

Những năm trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản đã mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp rất lớn do tình trạng khai thác thủ công, khai thác quy mô nhỏ và vừa, chỉ dừng lại ở mức quặng và tinh quặng để xuất khẩu. Tổng doanh thu ngành khai khoáng của tỉnh Hà Giang từ năm 2007- 2010 đã đạt hàng trăm tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng, góp phần tạo việc làm cho một bộ phận lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 3-4 triệu đồng/người.

Một vụ sập mỏ đá tại Hà Giang xảy ra năm 2015. Ảnh: Đỗ Bình/TTXVN

Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên môi trường của các cấp, các ngành, trong đó việc cấp phép khai thác khoáng sản của các cơ quan nhà nước tràn lan cùng với những hạn chế về năng lực, kỹ thuật, tài chính và công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp khai khoáng, dẫn đến nguồn tài nguyên quốc gia có nguy cơ dần dần bị cạn kiệt, môi trường bị tổn hại to lớn.

Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường xung quanh bởi bãi thải, khí thải độc hại, bụi và nước thải; quá trình khai thác và chế biến khoáng sản gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất canh tác, phá vỡ cảnh quan và cân bằng sinh thái khu vực, làm suy thoái tài nguyên rừng, suy giảm và ô nhiễm nguồn nước. Hơn nữa, hoạt động khai thác khoáng sản còn dẫn đến nguy cơ cao trượt lở đất, lũ bùn đất, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Chấn chỉnh công tác quản lý

Trước những bất cập trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang đang tập trung triển khai và hướng dẫn thực hiện quy định về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, năm 2017 đã thẩm định, trình UBND tỉnh ban hành 5 quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (trong đó 4 dự án khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và 1 dự án khoáng sản kim loại), tổng số tiền phê duyệt và thu nộp ngân sách là 570,7 triệu đồng, nâng tổng số tiền đã phê duyệt lên tới 294,4 tỷ đồng, tổng số tiền đã thu nộp 32,09 tỷ đồng, số tiền còn lại trên 262,31 tỷ đồng.

UBND tỉnh Hà Giang cũng được cấp 20 giấy phép thăm dò khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; 4 giấy phép khai thác khoáng sản (2 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, 2 giấy phép khai thác khoáng sản kim loại); đăng ký 1 điểm mỏ cát, sỏi thôn Cốc Soọc, xã Thèn Phàng, huyện Xín Mần, vào khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong trường hợp không phải cấp giấy phép khai thác cho Công ty cổ phần thủy điện Sông Chảy 6 để phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sông Chảy 6.

Đồng thời, tỉnh sẽ triển khai thực hiện đề án 1 triệu tấn xi măng để kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nông thôn và một số công trình nông thôn mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh xác nhận 111 điểm mỏ (82 mỏ cát, sỏi và 29 mỏ đá vôi) khai thác phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới cho các huyện, thành phố.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; thực hiện nhiều giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (điển hình như các huyện Bắc Quang, Bắc Mê, Hoàng Su Phì); chủ trì thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đối với 15 doanh nghiệp (18 dự án) theo Quyết định số 282/QĐ-UBND ngày 3/3/2017 của UBND tỉnh.

Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo Công ty cổ phần Cơ khí và Khai thác Khoáng sản Hà Giang thực hiện công tác phục hồi môi trường, cải tạo cảnh quan tại mỏ antimon Mậu Duệ, phục vụ công tác tái đánh giá công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Bài 2-Những hệ lụy khó lường


Diệu Thúy (TTXVN)
Hà Giang thông xe kỹ thuật cầu Yên Biên nối đôi bờ sông Lô
Hà Giang thông xe kỹ thuật cầu Yên Biên nối đôi bờ sông Lô

Hòa chung bầu không khí vui tươi, hân hoan đón chào Xuân mới Mậu Tuất 2018, ngày 13/2, tại thành phố Hà Giang đã diễn ra lễ thông thông xe kỹ thuật cầu Yên Biên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN