Nguồn cung hạn chế
Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức, thị trường hoa Tết tại các tỉnh phía Nam đang bước vào mùa cao điểm phục vụ Tết. Hiện giá hoa Tết đã tăng từ 10 - 20% so với năm ngoái.
Anh Nguyễn Chí Công, chủ vườn mai Chí Công (đường Tam Bình, phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức) cho biết, hiện nhà vườn đang trong những ngày “nước rút” phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2022. Với những tín hiệu tích cực về tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh, vườn mai Chí Công đã thuê nhân công nhặt lá mai từ mùng 1 tháng Chạp, nên hiện vườn đang bắt đầu mang hoa mai ra chào bán.
Theo anh Công, năm nay anh đã chuẩn bị khoảng 500 cây mai lớn, đẹp cho thị trường TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Vườn mai của anh vừa bán vừa cho thuê trưng Tết, mỗi cây mai có giá cho thuê dao động từ 5-150 triệu đồng và giá bán mỗi cây từ 200.000 đến hàng chục triệu đồng.
"Tính đến nay, khách quen từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đã đặt hàng khoảng 2/3 lượng cây của vườn tôi. So với năm ngoái, số cây mai tôi chuẩn bị cho năm nay cũng giảm 10-15% do lo ngại dịch bệnh tác động đến sức mua. Hiện giá mai Tết cũng đang tăng giá khoảng 10% so với năm ngoái vì các nguyên liệu đầu vào đã tăng giá từ lâu”, anh Chí Công chia sẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Hải, chủ vườn mai tại Quận 12 cho biết, những ngày này, công nhân phải làm việc 3 ca để mang hàng ra các chợ Tết và vỉa hè bày bán. Năm nay, vườn hoa của ông Hải cũng giảm quy mô trồng hoa Tết 50% so với những năm trước đây. Dự kiến Tết 2022, ông Hải cung cấp khoảng 15.000 chậu hoa các loại cho thị trường, trong đó chủ yếu vẫn là mai vàng, cúc vàng, vạn thọ… Giá hoa Tết vườn ông bán ra năm nay tăng 10-15% so với năm ngoái.
Không chỉ các nhà vườn tại TP Hồ Chí Minh giảm quy mô diện tích trồng hoa Tết, mà tại làng hoa Thái Phiên (thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) cũng giảm mạnh với sản lượng hoa cúc Tết giảm từ 20 - 30% so với các năm trước đây; hoa ly cũng giảm hơn 40%. Tương tự, tại Phường 5 (thành phố Đà Lạt), diện tích hoa ly - loại hoa chủ lực của làng hoa Vạn Thành trong dịp Tết nguyên đán cũng giảm khoảng 40% so với các năm trước đây. Các chủng loại hoa khác cũng giảm đi đáng kể.
Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 5 cho biết, diện tích hoa ly năm nay giảm vì lo ngại không bán được. Tổng diện tích hoa của làng hoa Vạn Thành vào khoảng 220 ha nhưng thực tế trồng chỉ hơn 120 ha, trong đó hoa hồng, cẩm chướng, đồng tiền là 3 loại chủ lực.
"So với năm ngoái, đầu ra của hoa năm nay cũng ổn hơn mọi năm nhưng giá tăng. Hiện giá hoa ly đã cao hơn 20 - 30% so với các năm trước đây", ông Nguyễn Đức Học nói.
Đẩy mạnh bán hàng qua kênh trực tuyến
Ngoài việc bán hoa truyền thống là mang hoa đến các điểm bán hoa trên đường và các chợ hoa Tết, năm nay, nhiều nhà vườn, cửa hàng hoa còn bán hoa trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada… hay Zalo, Facebook, Tiktok, Youtube...
Anh Nguyễn Chí Công cho biết: "Gần đây, tôi cũng đã tiếp cận với mạng xã hội Facebook để giới thiệu về những cây lan của mình. Từ khi chơi mạng xã hội Facebook, nhiều bạn hàng từ Hà Nội biết đến mai của tôi nhiều hơn. Qua đó, nhiều đơn hàng được đặt thông qua Facebook. Dịp Tết, tôi phải nhờ bà xã hỗ trợ chụp hình, viết bài quảng bá những chậu mai to, đẹp, khỏe trên Facebook để nhiều người biết đến. Có những khách hàng quen, chỉ cần nhìn cây trên hình là họ chọn, rồi mình cứ thế đóng hàng và chuyển đi".
Rút kinh nghiệm của năm 2021 do dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến việc mua sắm tại chỗ, Dalat Hasfarm – một trong những đơn vị cung ứng hoa tươi lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã phát triển kênh bán lẻ, đem lại hiệu quả tốt cho công ty cũng như người tiêu dùng. Ông Add Gordijn, Tổng Giám đốc Dalat Hasfarm cho biết, tổng doanh thu của đơn vị trong năm 2021 đạt mức 100 triệu USD. Để đạt được mức tăng trưởng 8-9% so với ngoái dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, công ty đã nỗ lực đa kênh bán hàng. Nhờ vậy, doanh thu từ thị trường hoa xuất khẩu của Dalat Hasfarm chiếm khoảng 45%, nội địa chiếm 55%.
Đặc biệt, với kinh nghiệm gần 30 năm gắn bó với ngành công nghiệp trồng hoa tại Lâm Đồng, dự kiến năm nay đơn vị sẽ cung cấp khoảng 10 triệu cành hoa và 1,6 triệu chậu hoa các loại ra thị trường. "Dự kiến, trong dịp Tết nguyên đán, lượng tiêu thụ hoa tươi sẽ đạt sản lượng lớn và chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của cả năm của công ty. Tuy nhiên, giá hoa tết năm nay sẽ tăng từ 10 - 15% do giá nguyên liệu đầu vào tăng vì ảnh hưởng của dịch bệnh", ông Add Gordijn nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Đông, Giám đốc hệ thống bán lẻ và thương mại điện tử Dalat Hasfarm cho biết, năm nay, người tiêu dùng có thể mua trực tiếp hoa từ website của công ty hoặc app trên điện thoại hoặc gọi, nhắn tin trên Zalo, Facebook… sẽ có đội ngũ tiếp nhận. Ngoài ra, năm qua, Dalat Hasfarm còn phát triển thêm kênh Grap, Now. Đây là kênh bán hàng tiện lợi cho người tiêu dùng, đặc biệt thuận lợi đối với những loại hoa chậu cồng kềnh cũng như để giảm thiểu việc người tiêu dùng phải xếp hàng chờ đợi đến lượt mua trong thời điểm dịch bệnh.
Theo ông Đông, từ năm 2020, đơn vị này đã nâng cấp hệ thống mới để kết nối giữa online và offline và lượng tồn kho hoa của cửa hàng. Nền tảng mới giúp người đặt hàng có thế kết nối được với nhiều cửa hàng khác nhau. Đến thời điểm hiện tại, đơn hàng online có thể xử lý trong 2 giờ là có thể đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Hiện nay, Dalat Hasfarm có hơn 20 cửa hàng bán lẻ và 350 quầy hoa tại các chuỗi siêu thị lớn ở 8 thành phố của Việt Nam. Dịp Tết, cả 3 kênh bán sỉ, bán lẻ và siêu thị đều có mức tăng trưởng tốt với chỉ tiêu năm nay tăng trưởng khoảng 20% so với năm ngoái. "Hiện tại, nhu cầu về hoa rất lớn trong khi các cửa khẩu phía Bắc đang bị đóng nên hoa Trung Quốc chưa nhập về được. Thêm nữa, các hộ nông dân ở miền Tây Nam bộ như Sa Đéc, Cái Mơn cũng sẽ không xuống giống kịp nên chúng tôi kỳ vọng dịp Tết năm nay sẽ thành công", ông Đông chia sẻ.
Còn theo ông Đặng Bảo Vinh, Chủ tịch Hội nông dân Phường 12 phụ trách làng hoa Thái Phiên tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), trước kia các nhà vườn chỉ bán hàng thông qua thương lái đến tận vườn thu hoa hoặc mang sản phẩm ra chợ bán. Tuy nhiên, gần đây, người dân đã biết mang sản phẩm của mình bán trên các trang mạng xã hội… Nhờ các kênh mạng này, sản phẩm của nông dân Đà Lạt vươn xa ra tận Hà Nội, thậm chí đi nước ngoài. Kênh bán hàng trực tuyến này được phát huy từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện để bà con nông dân tăng thu nhập và hàng hóa không bị tồn đọng, cắt bỏ khi đến ngày thu hoạch mà bị tắc đầu ra.