Mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng để giữ mùa hoa Tết, nông dân các tỉnh Nam Trung bộ vẫn không bỏ nghề trồng hoa bởi đây chính là thu nhập chính của rất nhiều gia đình. Thời điểm này, tại các tỉnh Nam Trung bộ cơ bản kết thúc đợt mưa kéo dài. Hầu hết các loại hoa ngắn ngày đã được xuống giống; hoa mai, cúc, quất đang trong giai đoạn chăm sóc đặc biệt để hoa nở đều, đẹp, chín đúng vào dịp Tết.
Khánh Hòa có nhiều vùng trồng hoa phục vụ thị trường hoa Tết nhưng nổi tiếng nhất là cúc Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa. Làng hoa này có truyền thống trên dưới 25 năm nay. Hoa cúc Ninh Giang tạo nên cho mình đặc thù riêng mà nơi khác không có: màu hoa tươi, sáng, bông to, lâu tàn, lá dày và xanh, chậu hoa được tạo khối đều đặn, sum suê tượng trưng cho sự sum vầy gia đình trong ngày Tết. Đây là điều mà hoa cúc miền Tây Nam bộ khó có thể cạnh tranh được bởi chỉ trồng trong các giỏ tre, giỏ nhựa.
Theo ông Phan Sang, Chủ tịch Hội Nông dân phường Ninh Giang, trước năm 2016, hoa cúc giống ở phường Ninh Giang nhập 100% từ thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đến nay, nông dân trồng cúc ở Ninh Giang đã làm chủ được công nghệ nhân giống hoa cúc đại đóa, cúc pha lê.
Người trồng hoa ở Khánh Hòa ngày càng chuyên sâu trong kỹ thuật trồng, điều chỉnh hoa nở đúng vụ, đúng thời điểm, giữ màu hoa lâu phai, lâu tàn, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng. Tại vùng hoa Cam Lâm, nông dân cho hoa nở sớm từ ngày 15 tháng Chạp âm lịch, khi đó thương lái gần xa quan sát được độ đẹp của chậu hoa mà tiến hành mua sớm.
Vậy nên, trong 3 năm trở lại đây, hoa cúc Tết Cam Lâm có tiếng vang xa, nhiều người tìm về đặt hàng, nông dân phấn khởi. Năm nay khí hậu ở Khánh Hòa không thuận lợi, mùa mưa kéo dài khiến gốc cây bị dập gốc (tuột lá chân), nhà vườn trồng hoa Cam Lâm không vội cột cây giữ gốc như những nơi khác mà tiến hành chăm sóc gốc nên dẫu ảnh hưởng bởi mưa nhiều nhưng vẫn rất đẹp.
Cúc đại đóa được xem là “đặc sản” ở vùng hoa Tuy Hòa (Phú Yên) bởi cánh hoa dày, sắc vàng đậm và lâu tàn. Năm nay, hoa cúc được nhiều nhà vườn kỳ vọng sẽ bán được vì giá bán rẻ hơn các loại hoa khác; người trồng hoa cúc cũng ít hơn vì trồng cúc đòi hỏi kỹ thuật cao và phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Để có thể giảm giá bán cho phù hợp với túi tiền của người mua, gia đình ông Nguyễn Út (khu phố Phước Hậu 2, phường 9) đã chủ động thay đổi kích cỡ của chậu cúc. Vườn hoa 100 chậu cúc nay chỉ có 6 chậu đường kính lớn 1,2 m, còn lại là cỡ chậu 40 cm đến 60 cm. Thời tiết mưa lũ dễ gây bệnh như rệp, rụng lá chân. Nhà vườn phải tìm cách chăm sóc, phun thuốc sâu, chong điện thắp sáng để giúp cây sinh trưởng, nở đúng vào dịp Tết.
Trồng hoa Tết phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn trồng lúa và hoa màu. Chính vì vậy, nhiều gia đình ở thành phố Tuy Hòa đã chú trọng trồng và chăm sóc hoa. Nông dân đã tích cực tham gia vào một số dự án trồng và phát triển hoa theo hướng bền vững. Cụ thể, dự án “Trồng hoa cây cảnh” được triển khai tại Phường 9 tiếp tục được duy trì với 6 hộ tham gia, số vốn vay là 300 triệu đồng nhằm phát triển các giống hoa quý đặc trưng của địa phương. Có 7 hộ nông dân tham gia đề án phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại làng rau và hoa Ngọc Lãng (xã Bình Ngọc).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa Cao Đình Huy cho biết, nghề trồng hoa và cây cảnh ở đây có từ rất lâu nhưng phân tán theo từng hộ gia đình. Đây là nhóm cây có triển vọng phát triển. Thành phố Tuy Hòa sẽ quy hoạch và phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh khoảng 200 ha tại khu vực xã Bình Ngọc, phía Bắc thành phố (xã An Phú), khu vực phía Tây xã Bình Kiến, xã Hòa Kiến, phường Phú Lâm, phường Phú Thạnh với các loại cây chủ yếu: hoa lay ơn, hoa mai, quất, các loại cây cảnh bonsai.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, đối diện với khó khăn, người đã linh hoạt tìm lối ra. Chị Nguyễn Thị Biếc, thôn Mỹ Hòa, xã Nghĩa Mỹ, huyện Tư Nghĩa đã quyết định nhập giống hoa lưu ly ngoại, dạ yến thảo về trồng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Dù biết rằng, những giống hoa này rất khó trồng, tỷ lệ nảy mầm thấp, chi phí cao nhưng đó là giải pháp tốt nhất mà chị lựa chọn.
Chị Biếc chia sẻ, với tâm lý lo ngại dịch bệnh tái diễn nên người trồng hoa rất dè dặt, chỉ xuống giống cầm chừng, nhỏ lẻ vì sợ thua lỗ. Chính vì điều này mà các đại lý bán giống trong huyện chỉ bán được 1/5 lượng giống so với mọi khi. Chưa kể, các nhà sản xuất chậu nhựa cũng không dám sản xuất ồ ạt, chỉ làm theo đơn đặt hàng. Dạ yến thảo, lưu ly là loại hoa độc quyền trong vườn nhà chị. Nếu thị trường Tết ảm đạm, vắng bóng thương lái ngoại tỉnh thì chị vẫn có thể cung cấp cho các quán cà phê, khách sạn trong tỉnh bởi nguồn cầu khá lớn. Hiện tại, đã có nhiều mối quen chốt đơn, chỉ chờ tới ngày đến chở hoa về.
Thời điểm này, thời tiết tại Bình Định đã thuận lợi cũng là lúc chị Tạ Thị Thu Nguyệt, xã Nhơn Phong (thị xã An Nhơn) tập trung chăm sóc vườn mai của gia đình để chuẩn bị cho vụ Tết nguyên đán năm nay. Vườn mai của chị Nguyệt có hơn 1.000 chậu (mai 5 năm tuổi), nhưng đợt lũ lụt cuối tháng 11 vừa qua, nước sông Kôn tràn bờ, làm ngập toàn bộ vườn. Chị Nguyệt chỉ kịp thời chuyển được vỏn vẹn 40 chậu hoa mai lên vị trí cao.
Số chậu mai còn lại đã bị hư hại búp hoa bị úng, thối không thể nở được và không thể chăm sóc, phục hồi bán trong vụ Tết. Chị đã hoàn thành việc cắt tỉa cành nhánh cho 40 chậu mai không bị ngập úng, chờ đến cuối tháng 11 âm lịch nhặt lá để hoa bung nở với hy vọng bán được giá cao, vớt vát phần nào số vốn bỏ ra.
Theo ông Phan Thanh Hòa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Nhơn (Bình Định), An Nhơn được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng miền Trung”. Để hỗ trợ người trồng mai, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người trồng mai phát triển như xây dựng nhãn thương hiệu sản phẩm; tổ chức các hội chợ hằng nằm nhằm quảng bá, kết nối tiêu thụ; xây dựng hạ tầng cơ sở đảm bảo cho việc vận chuyển hoa mai; tạo điều kiện chuyển đổi diện tích trồng hoa mai, đặt để chậu hoa mai; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Từ đó, giúp người trồng mai mở rộng sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế.
Năm năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “mai vàng Nhơn An” thị xã An Nhơn. Đến nay, đã có trên 1.000 hộ trồng mai ở xã Nhơn An nói riêng, thị xã An Nhơn nói chung phát huy được giá trị của cây mai thông qua việc sử dụng nhãn hiệu “mai vàng Nhơn An”.
Khi đăng ký và phát triển được nhãn hiệu sản phẩm “mai vàng An Nhơn”, nhiều làng nghề trồng mai tại thị xã An Nhơn cũng dần nổi tiếng như: làng nghề trồng mai truyền thống Háo Đức, Thanh Liêm. Người dân ở các làng nghề này ngày càng mở rộng diện tích sản xuất, trồng mai chuyên nghiệp hơn, khẳng định được thương hiệu của mình và được nhiều khách hàng trong cả nước biết đến.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng đã quy hoạch vùng trồng mai với diện tích 75 ha ở 2 xã Nhơn An, Nhơn Phong và đang triển khai đầu tư hạ tầng đảm bảo tại khu vực này. Khi hình thành vùng mai tập trung, địa phương sẽ hướng dẫn người dân đặt để chậu mai trên các đôn cao hoặc làm giàn mai trên các chân ruộng để vượt lũ. Ngoài ra, khi làng nghề trồng hoa mai được hình thành, địa phương cũng sẽ kết hợp việc sản xuất với phát triển du lịch để nhiều người biết đến thương hiệu mai vàng An Nhơn, từ đó nâng cao giá trị của hoa mai trên thị trường. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng đã xây dựng và đề xuất với Bộ Khoa học Công nghệ đề án truy xuất nguồn gốc mai vàng An Nhơn.
Đặc biệt, những năm gần đây tỉnh Bình Định đã tổ chức hội thi “Mai vàng An Nhơn” trước mỗi dịp Tết để các người dân trưng bày, triễn lãm, giới thiệu các chậu hoa mai chất lượng đến khách hàng, giúp người dân nâng cao thu nhập từ nghề trồng mai.