Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhấn mạnh như vậy tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 30/11 theo hình thức trực tuyến.
Thị trường tiềm năng
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, nền kinh tế Hoa kỳ đang phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế quốc nội (GDP) quý III/2021 đạt 4,9%. Đặc biệt, tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ đạt tới 2,3 nghìn tỷ USD năm 2020. Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ vẫn duy trì mức tăng trưởng khá và sắp cán mốc 100 tỷ USD.
Theo ông Bùi Huy Sơn, Hoa Kỳ đang nhập khẩu khá nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm và đồ gỗ nội thất của Việt Nam. Với nông sản, thực phẩm, 10 tháng năm 2021 chỉ gạo và cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có kim ngạch giảm, các mặt hàng còn lại đều tăng.
Năm 2021, giá trị doanh thu bán lẻ nông sản, thực phẩm của Hoa Kỳ tăng mạnh, cho thấy nhóm hàng này hồi phục nhanh chóng, thậm chí vượt qua cả thời điểm trước đại dịch bùng nổ. Về dài hạn, nhu cầu nhóm nông sản, thực phẩm của Hoa Kỳ tiếp tục tăng, cơ cấu không thay đổi nhưng số lượng tăng đáng kể từ năm 2021- 2025.
Nhóm hàng đồ gỗ nội thất của Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường Hoa Kỳ. Vì thế, triển vọng thị trường mặt hàng này tháng cuối năm có thể nhìn thấy rất khả quan do nhu cầu mua sắm cho dịp nghỉ lễ. Ngoài ra, trong bối cảnh người dân quen dần với việc làm việc tại nhà nhu cầu mua sắm đồ nội thất phục vụ sinh hoạt cũng dẫn đến cầu mặt hàng này tăng lên.
Ông Bùi Huy Sơn cho biết thêm, với quy mô và sức mua lớn, tập quán tiêu dùng hết sức đa dạng tạo ra nhiều dư địa khai thác và cạnh tranh, quan trọng là tạo ra những khoảng trống mới để hàng Việt Nam thâm nhập. Hơn nữa, lực lượng người Việt đông đảo tại Hoa Kỳ cũng là cầu nối và là nhóm tiêu dùng quan trọng tại Hoa Kỳ cho hàng hoá Việt.
Chia sẻ thêm về thị trường thực phẩm khu vực miền Tây của Hoa Kỳ, ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho hay, khu vực này tập trung nhiều siêu thị lớn như Safeway, King Soopers, Albertsons và Sprouts Famers Market…
Đáng lưu ý, thị trường người Hoa Kỳ gốc Việt tại đây cũng tương đối lớn với 2,18 triệu người, sức mua đạt 57 tỷ USD, đặc biệt thói quen tiêu dùng vẫn rất gần với người Việt Nam. Đây là một kênh hữu hiệu giúp hàng hoá Việt thâm nhập sâu vào thị trường khu vực miền Tây Hoa Kỳ.
Với thị trường khu vực miền Nam của Hoa Kỳ, nhiều nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đã liên lạc với Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại New York để tìm kiếm các nhà cung cấp từ Việt Nam; trong đó, các mặt hàng được đề xuất nhiều là nông sản, thực phẩm, sản phẩm dệt may, sản phẩm y tế phòng chống dịch, giày dép, đồ gỗ nội thất, hàng thủ công mỹ nghệ…
Tạo sự khác biệt
Tuy có nhu cầu cao, sức tiêu thụ lớn, thế nhưng Hoa Kỳ vẫn là một trong những thị trường khó bậc nhất trên thế giới để hàng hoá thâm nhập. Một trong những thách thức đầu tiên và luôn được các chuyên gia cảnh báo là hệ thống quy chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cực kỳ khắt khe, quy định phức tạp, được thực thi hiệu quả và được sự tham gia quản lý của nhiều cơ quan.
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Bùi Huy Sơn cho rằng, hệ thống quy chuẩn an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ được xây dựng ở cả cấp bang, liên bang nên đòi hỏi sự nghiên cứu công phu và kỹ lưỡng mới có thể hiểu, thực hiện và đáp ứng được.
Cùng với đó, doanh nghiệp đưa hàng hoá sang Hoa Kỳ còn phải vượt qua những thách thức từ sự thắt chặt chi tiêu của người dân do lạm phát tăng cao; rào cản về môi trường, lao động; cạnh tranh với quốc gia khác; các biện pháp phòng vệ thương mại; khoảng cách địa lý.
Đại diện doanh nghiệp chuyên xuất khẩu trái cây vào Hoa Kỳ cho biết, nếu xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ phải tính đến chuyện 5-10 năm, rất khó để trong một thời gian ngắn có thể đứng vững tại thị trường này.
Không những thế, việc kiểm tra chất lượng sản phẩm phải là công việc thường xuyên, liên tục để đảm bảo sản phẩm không bị vượt ngưỡng cho phép các loại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Mặt khác, công nghệ bảo quản sản phẩm của nhà sản xuất cũng cần được nghiên cứu, nâng cấp để hàng hoá có thể vận chuyển bằng đường biển thay cho đường hàng không như hiện nay nhằm giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nhấn mạnh về sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng và sự thích hợp của sản phẩm, theo đại diện doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng đồ gỗ nội thất, thị trường đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ hướng tới các sản phẩm có kích thước lớn hơn so với tiêu chuẩn thông thường nhằm phục vụ cho việc làm việc tại nhà của người dân.
Hơn nữa, xu hướng mua sắm online đã trở nên rất phổ biến nên doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các kênh thương mại điện tử lớn như Amazon để quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm thông qua chiến lược thiết kế cũng như đánh giá và marketing sản phẩm làm cho thương hiệu sản phẩm của mình nổi trội hơn hẳn so với các thương hiệu khác trong cùng loại mặt hàng.
Đặc biệt, tại phiên tư vấn các chuyên gia cũng đề xuất nhiều kiến nghị giúp hàng hoá Việt thâm nhập thành công thị trường Hoa Kỳ như đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng tư vấn cho doanh nghiệp trong việc thiết lập hệ thống phân phối, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quan tâm hơn về giá, tích cực liên kết với các các hiệp hội doanh nghiệp gốc Việt tại các bang của Hoa Kỳ.