Mặt khác, doanh nghiệp phải thực hiện đúng và đầy đủ yêu cầu trong việc cung cấp thông tin của cơ quan điều tra Hoa Kỳ (nếu có) cũng như phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong suốt quá trình của vụ việc nhằm giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra.
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, ngày 7/7/2023, Công ty Dexstar, Hoa Kỳ (nguyên đơn trong vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp gốc) đã gửi đơn đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đề nghị điều tra xem xét phạm vi sản phẩm bánh xe kéo bằng thép được hoàn thiện tại Việt Nam. Nguyên do mà công ty này đưa ra là các cấu phần để hoàn thiện sản phẩm đều xuất xứ Trung Quốc có thuộc phạm vi lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với sản phẩm tương tự của Trung Quốc không.
Quy định pháp luật của Hoa Kỳ nêu rõ, các bên liên quan của vụ việc được phép gửi ý kiến bình luận và các thông tin liên quan để bác bỏ, làm rõ hoặc đính chính các thông tin nêu trong đơn đề nghị điều tra của nguyên đơn trong vòng 30 ngày kể từ ngày khởi xướng (ngày 7/8/2023). Sau khi nhận được ý kiến từ các bên, nguyên đơn sẽ có 14 ngày để phản hồi lại.
Thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Tính đến hết tháng 6 năm 2023, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường quốc tế đã phải đối mặt với 231 vụ kiện phòng vệ thương mại; trong đó, số lượng vụ việc điều tra chống bán phá giá (128 vụ), tiếp đến là vụ việc tự vệ (47 vụ), điều tra lẫn tránh thuế (33 vụ) và chống trợ cấp (23 vụ).
Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi xướng 4 vụ kiện phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; trong đó, có 3 vụ kiện chống bán phá giá của Hoa Kỳ liên quan đến máy phun xịt chạy bằng khí cao áp, móc treo quần áo bằng thép, túi giấy đi chợ.... Qua đó, có thể thấy không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như gỗ, cá tra, cá basa, tôm, da giày, dệt may, thép mà ngay cả mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu nhỏ hơn như mật ong, máy cắt cỏ, giấy bọc thuốc lá... cũng đã bị điều tra phòng vệ thương mại.
Hơn nữa, việc Việt Nam tiếp tục thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có lợi thế quan trọng tại thị trường xuất khẩu nhưng cũng khiến sức ép cạnh tranh tại thị trường trong nước gia tăng, xuất hiện một số hành vi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi bất hợp pháp.