“Cháy hàng” ngay tại âu tàu
Với mục tiêu không để “cá sạch” của ngư dân đánh bắt về bị ế, các ngành nông nghiệp, công thương và chính quyền các địa phương đã vào cuộc. Ngay khi tàu cá vừa cập bến sau những chuyến đánh bắt xa bờ, nếu hải sản đánh bắt ở những vùng biển an toàn sẽ được kiểm định và được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn chất lượng để tiêu thụ. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những vùng biển cách bờ ngoài 20 hải lý là an toàn cho khai thác hải sản.
Ngay sau khi việc cấp chứng nhận được triển khai, việc tiêu thụ cá đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tại tỉnh Quảng Bình, tính riêng trong hai ngày đầu tháng 5, hơn 160 tấn cá của các tàu đánh bắt xa bờ đã được thương lái thu mua. Cùng với việc thu mua, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo mở các điểm bán hàng hải sản đánh bắt xa bờ cho người tiêu dùng. Tại cảng cá chợ Đồng Hới, bà Phạm Thị Huế, một tiểu thương phấn khởi: “Hải sản đã được tiêu thụ trở lại, không còn bị người tiêu dùng tẩy chay như trước”.
Chương trình bán cá sạch không lợi nhuận của siêu thị Big C. |
Ông Vũ Quang Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình cho biết: Trong thời gian này, lúc nào cũng có lực lượng thường trực ở các cảng cá. Khi có tin báo của cảng vụ và ngư dân, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động thu mua từ khi tàu cập cảng đến khi sản phẩm cá đánh bắt được tiêu thụ trên thị trường.
Tại Thừa Thiên Thuế, hơn 200 tấn cá biển an toàn của ngư dân cũng đã được tiêu thụ trong những ngày gần đây. Các ngành chức năng của tỉnh đã cấp hơn 30 giấy chứng nhận cho ngư dân đánh bắt hải sản ở vùng biển an toàn. Thống kê sơ bộ, mỗi ngày Thừa Thiên - Huế có khoảng 40 tàu đánh bắt xa bờ cập cảng Thuận An, sản lượng khoảng 50 tấn/ngày, có ngày lên tới 100 tấn. Nhiều loại cá như: chim, thu... đã tăng giá trở lại sau những ngày rớt giá mạnh. Từ ngày 3/5, tỉnh đã mở rộng các điểm bán cá sạch ra các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc và các trung tâm thương mại của tất cả các huyện, thị xã trong tỉnh.
Nhiều người tiêu dùng mua hải sản tại siêu thị Big C Hà Đông (Hà Nội) để ủng hộ ngư dân. |
Tổng cục thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết hải sản của ngư dân đánh bắt xa bờ được xác nhận qua hệ thống định vị tọa độ, tất cả sẽ được kiểm tra, kiểm định để cấp giấy chứng nhận an toàn. Ngoài ra, các tàu cá phải kê khai những thông tin cụ thể trong giấy chứng nhận như quy trình đánh bắt, vị trí tọa độ, thời gian khai thác..., có xác nhận của thuyền trưởng. Với quy trình kiểm định chặt chẽ này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm mua cá được bán tại các quầy hàng uy tín, đủ điều kiện kinh doanh.
Chính nhờ sự phối hợp của các bộ và các địa phương nên đến nay, không còn tình trạng cá đánh bắt bị ùn ứ tại cảng. Trong cuộc họp báo Bộ Công Thương ngày 6/5, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết: Đến nay, cá an toàn đánh bắt về đều được tiêu thụ hết.
Không chỉ tiêu thụ trong nước mà hải sản còn được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua. Ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty thủy sản Bắc Đẩu cho biết, công ty vẫn thu mua cá của ngư dân tại cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng. “Hải sản đều được kiểm tra kĩ về chất lượng khi thu mua. Khi xuất khẩu sang Nhật hay Hàn Quốc thì đều được kiểm tra lại rất khắt khe. Đến nay, các đối tác của chúng tôi vẫn nhập hàng bình thường. Do đó, người tiêu dùng trong nước cũng nên yên tâm”, ông Chín chia sẻ.
Cá sạch về siêu thị
Không chỉ hỗ trợ ngư dân trong việc chứng nhận hải sản an toàn, kết nối thương lái thu mua mà Bộ Công Thương còn chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối lớn với những chuỗi bán lẻ hàng đầu tham gia vào việc tiêu thụ cá giúp ngư dân. Ông Võ Văn Quyền cho biết: “Bộ đã chỉ đạo các thương nhân và các nhà phân phối tích cực thu mua hải sản sạch trên địa bàn các tỉnh miền Trung cũng như toàn quốc. Trong đó, các hệ thống siêu thị lớn như Hợp tác xã thương mại Saigon Co.op, sau đó có thêm Big C... đã rất tích cực tiêu thụ hải sản cho ngư dân”.
Ghi nhận tại điểm bán cá biển sạch ở siêu thị Co.opmart Huế, sau khi có chứng nhận của cơ quan chức năng, tất cả các quầy hàng bán cá đã hoạt động bình thường. Hàng trăm người dân đã đến mua cá biển sạch với giá bán được niêm yết cụ thể: cá hố 109.000 đồng/kg, cá nục, cá xước 19.000 đồng/kg, cá ngừ bò 25.000 đồng/kg...
Siêu thị Co.opmart cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thu mua từ các cảng cá do chi cục thủy sản cấp giấy chứng nhận. Tất cả cá bán tại quầy đều có nguồn gốc từ vùng biển an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. “Ngay ngày đầu ra quân, chúng tôi đã thu mua 20 tấn cá tươi của ngư dân Quảng Bình, chủ yếu là cá nục, cá bạc má”, ông Võ Hoàng Anh, giám đốc Marketing của chuỗi siêu thị này cho hay.
Còn theo ghi nhận tại siêu thị Big C Hà Đông (Hà Nội) chiều 7/5, gian hàng cá biển được nhiều người tiêu dùng quan tâm lựa chọn. Để minh bạch thông tin, siêu thị này đã treo biển hiệu rất lớn: “Chương trình bán hàng hỗ trợ ngư dân miền Trung”. Đây là chương trình bán hàng không lợi nhuận, kéo dài từ ngày 6 - 8/5 trên tất cả hệ thống siêu thị Big C. Cụ thể, cá nục có giá 24.900 đồng/kg, cá ngừ 49.900 đồng/kg, đầu mực giá 94.900 đồng/kg... Siêu thị cũng niêm yết các loại giấy chứng nhận đảm bảo xuất xứ, độ an toàn của cá để người tiêu dùng yên tâm mua hàng. Khi được hỏi suy nghĩ gì khi mua cá ở BigC, anh Dương Trường (SV ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho biết: “Việc cá chết vừa qua cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung của người dân. Tuy nhiên, cá ở đây được chứng nhận an toàn, giá lại rẻ nên tôi không lo lắng gì về chất lượng cả”.
Đại diện các siêu thị cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân miền Trung bán cá an toàn với giá ưu đãi cho đến khi thị trường được bình ổn trở lại. “Giá trị xuất khẩu thuỷ sản 4 tháng đầu năm đạt gần 2 tỷ USD, tăng trên 6% so với cùng kì. Dù có thông tin cá chết ở một số tỉnh miền Trung nhưng việc xuất khẩu vẫn bình thường. Hàng xuất khẩu được các đối tác nước ngoài kiểm tra chặt chẽ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt”, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư kí Hiệp hội Chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết.