Hỗ trợ chuyển đổi số nâng cao hiệu quả kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang nghiên cứu, xây dựng dự thảo Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn và cấp bách của các cơ sở sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN

Theo dự thảo, mục đích của chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi số thông qua chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh).

Mục tiêu đến năm 2025, có 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 500.000 cơ sở sản xuất kinh doanh được nhận các hỗ trợ từ chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ chuyển đổi số; tối thiểu 800 doanh nghiệp, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, ưu tiên trong một số lĩnh vực sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.

Cùng với đó, thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 500 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; bản đồ hóa và công bố cơ sở dữ liệu gồm tối thiểu 100 giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Chương trình dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025 trên phạm vi toàn quốc. Đối tượng của chương trình là các cơ sở sản xuất kinh doanh gồm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các cơ quan, tổ chức thực hiện chương trình là các cơ quan, tổ chức được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ, các hội, hiệp hội triển khai hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh theo Chương trình và các bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số là các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, dự thảo đưa ra 7 nhóm hoạt động dự kiến triển khai trong chương trình. Cụ thể, xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn chuyển đổi số và môi trường số triển khai chương trình: phát triển, vận hành cổng thông tin, ứng dụng điện thoại thông minh của chương trình nhằm tạo môi trường số triển khai các hoạt động, tăng cường tương tác giữa các đối tượng của chương trình trên môi trường số; xây dựng các tài liệu, công cụ hướng dẫn dùng chung.

Cùng với đó, hình thành và tổ chức điều phối mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: phát triển và nâng cao năng lực của các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo các tiêu chuẩn, xu hướng thế giới; từ đó kết nối các chuyên gia với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số.

Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi số cho các cơ sở sản xuất kinh doanh: xây dựng và tổ chức triển khai các khóa đào tạo, đặc biệt các bài giảng trực tuyến mở trên môi trường số; hỗ trợ đào tạo tại cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, chế biến (do đây là nhóm đối tượng trong lĩnh vực ưu tiên, có các nghiệp vụ chuyển đổi số phức tạp hơn các cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác như thương mại, dịch vụ)…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh phí thực hiện chương trình bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước trung ương và địa phương (vốn chi thường xuyên) và kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia chương trình. Dự thảo được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến.

Thúy Hiền (TTXVN)
Doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số để thích ứng với dịch
Doanh nghiệp vận tải chuyển đổi số để thích ứng với dịch

Dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp tại các địa phương đang khiến các doanh nghiệp (DN) vận tải lao đao do đứt gẫy kết nối vận tải, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, nhưng cũng là cơ hội để DN chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách, hàng hóa để phát triển trong và sau dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN