Cùng đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có đủ hạ tầng, khả năng để đưa nông sản đến từng hộ gia đình trong cả nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với chuyển đổi số, những nơi đi sau thường sẽ về trước. Chính vì thế, chuyển đổi số có thể giúp chúng ta thay đổi vị thế và thứ hạng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy, khó khăn của nông dân là không bán được sản phẩm tới người tiêu dùng nên giá trị thu về thấp vì không có thương hiệu.
“Sàn thương mại điện tử có thể giải quyết được những khó khăn cho nông dân nhưng sàn phải kết nối được nông dân với người tiêu dùng. Sàn thương mại điện tử cũng sẽ kết nối nông dân với các nhà cung cấp những hàng hóa đầu vào cho người nông dân đảm bảo chất lượng, xuất xứ, không bị làm giả, giá cả cạnh tranh.”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Đánh giá về tình hình thông tin trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, sự không rõ về thông tin đã và đang ảnh hưởng đến mối quan hệ cung - cầu. Người sản xuất mù mờ về thị trường, trong khi thị trường không rõ về sản xuất sẽ dẫn đến hệ quả phải hỗ trợ tiêu thụ.
“Hiện đã kết nối được vạn vật, nhưng câu chuyện chỉ kết nối từ cánh đồng đến hệ thống phân phối trong nông nghiệp lại quá khó khăn.”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đặt ra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn, trước hết là minh bạch dữ liệu, thông tin, bởi chỉ có minh bạch thì nông nghiệp mới vươn xa, có trách nhiệm với người tiêu dùng. Các đơn vị, lãnh đạo trong ngành phải có trách nhiệm với ngành và hệ sinh thái bề vững để mai sau có một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Chuyển đổi số phải dựa trên nền tảng dữ liệu và hiện nay, vào đầu vụ, các địa phương đều có thể dự báo được sản lượng các sản phẩm, nhưng vẫn là các con số trên văn bản giấy. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp cần bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở dữ liệu và phải làm chủ được cơ sở dữ liệu. Từ đó, phân tích thông tin và nhờ công nghệ, số hóa có thể kế hoạch hóa được sản xuất, tránh “áng chừng”.
Trước kho dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, doanh nghiệp công nghệ thiếu nhất là dữ liệu. Ngành nông nghiệp cung cấp dữ liệu càng nhiều càng tốt và các doanh nghiệp công nghệ sẽ xử lý dữ liệu này.
Đánh dấu bước ngoặt về chuyển đổi số trong thương mại nông sản, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, từ việc tiêu thụ vải thiều Bắc Giang trên sàn Voso (Viettel Post) và Postmart (VnPost) cho thấy, người dân lên sàn thương mại điện tử tăng đột biến. Từ chỉ một vài nghìn người mua bán mỗi ngày trước đây thì nay đã tăng lên hàng trăm nghìn. Tính riêng từ 1/6 đến nay, các sàn đã có trên 4,5 triệu lượt người mua vải thiều.
“Các sàn thương mại điện tử đưa vào vận hành từ 6 – 7 năm nhưng vẫn chưa có nhiều đột phá. Tuy nhiên, khi đưa quả vải lên sàn đã có sự thay đổi đột phá. Người dân có thể chủ động lên sàn, giao lưu với người mua, giới thiệu những đặc tính khác biệt của sản phẩm để có giá trị cao hơn. Điều này cũng buộc công ty phải đẩy mạnh nâng cấp, đưa nền tảng công nghệ thông tin lên một tầng cao hơn để đáp ứng yêu cầu”, ông Chu Quang Hòa cho biết.
Từ thành công kết nối hàng trăm nghìn gia đình mua quả vải tươi trên sàn thương mại điện tử, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hi vọng, thời gian tới sẽ là hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm nông sản khác được đưa lên sàn thương mại điện tử, kết nối người mua và người sản xuất.
Không chỉ về chuyển đổi số trong thương mại điển tử, tại hội nghị, các đại biểu địa phương cũng đưa ra các bài toán mong muốn được chuyển đổi số trong việc quản lý dịch hại trên cây trồng, cảnh báo thiên tai, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại… Ngay tại hội nghị, hai Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị liên quan cùng phối hợp để có những lời giải sớm nhất cho những vấn đề trên.