Hiệu quả giao thông 'luồng xanh'

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, cho hoạt động vận tải hàng hóa đến và đi qua địa bàn thành phố Hà Nội thông suốt trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã tổ chức “luồng xanh” giao thông của thành phố kết nối với “luồng xanh” quốc gia, xác nhận “luồng xanh” cho hàng chục nghìn phương tiện được ưu tiên lưu thông qua hệ thống này.

Chú thích ảnh
Áp dụng "Luồng xanh", không còn tình trạng ùn tắc tại chốt kiểm soát số 5, cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, từ ngày 24/7 đến 15 giờ ngày 16/8/2021, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tiếp nhận đề nghị xác nhận “luồng xanh” đối với 98.828 phương tiện; trong đó, xác nhận đạt 40.347 xe, có 59.095 xe không đạt và 758 xe đang chờ duyệt.

Các loại phương tiện được cấp “luồng xanh” là các phương tiện phục vụ phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia. Cùng với đó là xe chở hàng hóa đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa trên “luồng xanh” quốc gia có lộ trình đi qua thành phố Hà Nội; xe chở hàng hóa thiết yếu cho thành phố Hà Nội, các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các công trình xây dựng được phép hoạt động trên địa bàn thành phố…

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong 2 ngày đầu thực hiện Chỉ thị 17 của UBND thành phố, do số lượng hồ sơ đăng ký quá lớn khoảng 40.000 hồ sơ nên dù đã tăng cường số lượng cán bộ công chức và làm việc liên tục 24/24 giờ; đồng thời, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật với sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhưng vẫn còn xấp xỉ 10% số lượng hồ sơ chưa xử lý kịp thời gian. 

Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm cấp Thẻ nhận diện phương tiện của Tổng cục Đường bộ Việt Nam bị tấn công dẫn đến người dân không thể đăng ký trên trang web và chuyên viên thụ lý không thể xử lý hồ sơ. Trong quá trình thực hiện, xuất hiện tình trạng 1 lái xe đăng ký nhiều mã hồ sơ hoặc 1 hồ sơ đăng ký nhiều lần (có trường hợp đăng ký đến 30 lần) trong cùng một thời điểm.

Gần đây nhất, thành phố gia hạn thời gian thực hiện giãn cách xã hội, lượng hồ sơ đăng ký “luồng xanh” lại tăng đột biến do các tổ chức, cá nhân không nắm được việc phần mềm cấp mã QR Code sẽ tự động gia hạn theo thời gian giãn cách của thành phố, cùng với tâm lý "không yên tâm" về việc tự động gia hạn trên phần mềm nên nhiều hồ sơ đã được đăng ký lại…

Để ngăn chặn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ ra vào thành phố, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức cắm biển hướng dẫn phân luồng từ xa. Phối hợp với Kênh VOV Giao thông và các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm được các vị trí chốt trực kiểm soát dịch bệnh; đồng thời, hướng dẫn người dân đi theo các tuyến đường tránh Hà Nội (không đi vào Hà Nội) trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải bố trí lực lượng chia thành 2 lớp kiểm tra, phân luồng, hướng dẫn phương tiện quay đầu từ xa, hạn chế việc ùn tắc giao thông.

Cụ thể, lớp 1 tiến hành kiểm tra, sàng lọc phân loại phương tiện trước, chỉ cho phương tiện có thẻ nhận diện ưu tiên “luồng xanh”, xe công vụ, xe chở hàng hóa thiết yếu, xe chở công nhân, chuyên gia qua Hà Nội, yêu cầu các xe khác quay đầu. Ở lớp 2, đối với xe có thẻ nhận diện ưu tiên “luồng xanh” tiến hành kiểm tra mã QR Code, giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực thì cho lưu thông. Đối với các xe còn lại, nếu kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực và thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và các bước của cơ quan y tế, công an, nếu đảm bảo thì được lưu thông qua.

Đánh giá về hiệu quả giải pháp “luồng xanh” giao thông trong việc đảm bảo giao thông và phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Đào Việt Long cho biết, tính đến thời điểm này, tình hình giao thông tại 22 chốt trực kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố đã ổn định, các phương tiện lưu thông tốt, không xảy ra ùn tắc giao thông. 

Ông Đào Việt Long cũng cho biết thêm, để dự phòng xảy ra ùn tắc giao thông tại một số chốt có luồng phương tiện lưu thông lớn, Sở Giao thông Vận tải đã đề xuất phương án tổ chức giao thông “luồng xanh” trên tuyến vành đai 3 trên cao là tuyến kết nối với trục cao tốc, quốc lộ hướng trên để phân bổ theo các hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa có nhu cầu đi qua thành phố. Phương án này đã được UBND thành phố thống nhất, giao các sở, ngành phối hợp hoàn thiện và thực hiện khi có yêu cầu.

Đối với 200 xe taxi Mai Linh được cấp thẻ “luồng xanh” phục vụ vận chuyển hành khách trong trường hợp cấp thiết như: vận chuyển bệnh nhân đi viện, đi cấp cứu, bệnh nhân ra viện, vận chuyển các đối tượng được cơ quan công vụ và chính quyền địa phương huy động, từ ngày 30/7/2021 đến nay đã vận chuyển được 8.213 lượt hành khách. Theo đó, các xe đã vận chuyển cấp cứu 2.094 lượt hành khách, còn lại vận chuyển đi tiêm chủng, đi khám chữa bệnh 6.119 lượt hành khách.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã yêu cầu Tập đoàn Mai Linh bố trí tại mỗi quận, huyện, thị xã tối thiểu từ 3 đến 5 xe taxi và chỉ được vận chuyển các đối tượng nêu trên; đồng thời phải tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong quá trình vận chuyển. Việc triển khai cho phép 200 xe taxi Mai Linh hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội theo phương thức cấp mã số xác nhận qua tin nhắn.

Ngoài ra, để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh, Sở Giao thông Vận tải đã kiến nghị UBND thành phố ưu tiên tiêm vaccine đối với đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ của taxi Mai Linh tham gia vận chuyển. Đến thời điểm này, toàn bộ đội ngũ 200 lái xe này đã được tiêm 1 mũi vaccine phòng COVID-19. Phương tiện có vách ngăn giữa hành khách và người lái đảm bảo khoảng cách an toàn trong phòng chống dịch, thực hiện đầy đủ việc phòng chống dịch COVID-19 của Trung ương và thành phố.

Tuyết Mai (TTXVN)
Ưu tiên tạo 'luồng xanh' để đẩy nhanh lưu thông, tăng cung ứng thực phẩm
Ưu tiên tạo 'luồng xanh' để đẩy nhanh lưu thông, tăng cung ứng thực phẩm

Ưu tiên tạo “luồng xanh” để đảm bảo cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thuận lợi; kết nối cung - cầu, tiêu thụ hàng hóa do hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi cung ứng, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vẫn là những giải pháp đang được các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN