“Thắng” lớn với rừng có “chứng chỉ”
“Hai năm trước, giá keo chỉ 900.000 đồng, năm nay, do nhu cầu nguyên liệu tăng cao, giá lên tới 1 - 1,2 triệu đồng/tấn, nên bà con rất phấn khởi”, ông Nguyễn Hoàng Lân - Trưởng nhóm FSC Cây Thị ở thôn 1, xã Đức Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) vui vẻ chia sẻ khi dắt tôi tham quan một phần vùng rừng rộng tới 145 ha của nhóm hộ dân trồng rừng theo Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững, thông qua liên kết với công ty của Nhật Bản.
“Nhóm của tôi có 45 hộ tham gia làm chứng chỉ FSC, với diện tích rừng 145ha, trong đó riêng gia đình tôi có 68 ha keo lai. Khi mới tiếp cận FSC, chúng tôi cũng rất bỡ ngỡ. Nhưng qua các cuộc tập huấn của công ty, chúng tôi cũng hiểu, trồng rừng theo FSC, cái được lớn nhất là bảo vệ môi trường, sức khỏe cho chính người trồng rừng, vì chúng tôi phải đảm bảo nguyên tắc bảo hộ lao động; không được sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục FSC cho phép; khi phát tỉa cây rừng không đốt tràn lan, mà phải gom lại để đốt”, ông Lân cho biết.
FSC là một trong hai hệ thống chứng chỉ đạt Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững dành cho vùng nguyên liệu rừng trồng được công nhận trên thế giới. Theo đó, những hộ nông dân ở xã Đức Sơn liên kết với Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam (khu công nghiệp VSIP, xã Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An) đều phải tuân thủ 10 nguyên tắc FSC.
Cụ thể, 10 nguyên tắc đó bao gồm: Tuân thủ pháp luật và các quy định của tổ chức FSC; Tuân thủ quyền và nghĩa vụ với việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng; Tuân thủ quyền và lợi ích của người bản địa sinh sống; Tuân thủ các mối quan hệ và lợi ích của người lao động; Đảm bảo được các lợi ích từ nguồn tài nguyên rừng; Phải có kế hoạch giám sát và quản lý cụ thể; Thực hiện việc giám sát và đánh giá thường xuyên; Bảo tồn những cánh rừng có giá trị cao; Bảo vệ các cánh rừng đang được nuôi trồng. Gỗ rừng trồng hiện có vai trò hết sức quan trọng trong các nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành gỗ. Tuy nhiên, phát triển gỗ rừng trồng đang vướng một số tồn tại cần có giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Lân, một trong những nguyên tắc đầu tiên khi tham gia FSC là chủ rừng phải có tư cách pháp nhân, có hồ sơ đăng ký pháp lý rõ ràng, còn hiệu lực và được phê duyệt bằng văn bản bởi một cơ quan có thẩm quyền đối với các hoạt động quản lý rừng.
Đáng chú ý, tham gia các nhóm FSC, ông Lân và các thành viên được Công ty Biomass hỗ trợ giống keo tốt, đảm bảo đầu ra ổn định với cam kết thu mua cao hơn giá thị trường 10 - 15%. Ông Lân cho biết, diện tích rừng keo 6 năm tuổi của ông có thể đạt năng suất 140 - 150 tấn/ha.
Tuy vậy, việc tuân thủ các tiêu chí rừng bền vững cũng đòi hỏi ý thức và cả nỗ lực rất lớn từ chính các hộ trồng rừng. Theo đó, các hộ dân FSC Cây Thị thay vì chỉ trồng rừng 4 - 5 năm là thu hoạch như trước, thì khi chuyển sang trồng rừng bền vững, để đáp ứng yêu cầu sinh khối, cây rừng phải trồng tối thiểu 7 năm mới được thu hoạch. Tuy thời gian kéo dài, nhưng bù lại, khối lượng gỗ sẽ cao gấp 3 - 4 lần so với trước đây, cùng với mức giá cam kết thu mua của doanh nghiệp, người dân sẽ có lợi nhuận cao gấp từ 1,5 - 2 lần so với trước.
Tương tự, tại Thanh Hóa, tính đến tháng 3/2023, có gần 25.400 ha rừng với trên 4.000 hộ dân được cấp chứng chỉ FSC, tập trung ở các huyện Thạch Thành, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân, Cẩm Thủy… với sự tham gia liên kết của 4.136 ha, hình thành 6 chuỗi liên kết giữa chủ rừng, hộ gia đình, nhóm hộ với các nhà máy chế biến. Diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC đạt giá trị kinh tế cao hơn từ 20% đến 30% so với diện tích rừng thông thường.
Clip tính hiệu quả của mô hình liên kết trồng rừng có “chứng chỉ”:
Chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành gỗ
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất ván ép uốn cong theo đơn đặt hàng của những “ông trùm” thức ăn nhanh từ Mỹ, Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam có nhà máy chế biến tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, rất cần nguồn gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC).
Ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc công ty cho biết, để làm được ván ép uốn cong, công ty sử dụng khoảng 95% là gỗ cao su, 5% là các loại gỗ nhập khẩu. Đối với việc sử dụng nguyên liệu gỗ có chứng chỉ FSC, nếu khách hàng yêu cầu nguyên liệu gỗ phải lấy từ diện tích rừng có chứng chỉ FSC thì doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ những quốc gia có rừng đã được cấp FSC.
“Khách hàng ngày càng đòi hỏi phải chứng minh nguồn gốc gỗ, 25% số lượng đơn hàng của chúng tôi có yêu cầu nguyên liệu phải có FSC, nên chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu để đáp ứng”, ông Nhật thông tin.
Cũng tại Bình Dương, doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất ván plywood - Công ty CP Tekcom (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nguyên liệu gỗ cao su, keo có chứng chỉ FSC. Hiện, nguồn nguyên liệu Tekcom sử dụng chủ yếu là gỗ cao su, keo, bạch đàn, thông - là các loại gỗ rừng trồng trong nước.
“Hiện nay, nhu cầu ván plywood khá lớn, lên đến 18.000m³/tháng, trong đó các thị trường xuất khẩu EU, Mỹ có sự ràng buộc về nguồn gốc trong đó có chứng chỉ FSC, nên Tekcom cố gắng đáp ứng được yêu cầu này” - bà Cao Thị Thúy An, Trưởng phòng mua hàng của Tekcom cho biết.
Theo bà Cao Thị Thúy An, hiện nguồn gỗ keo có lợi thế về FCS vì người dân có ý thức trồng rừng có hệ thống, rừng keo cũng có trữ lượng lớn, nhất là ở miền Bắc, miền Trung. Trong khi đó, với các gỗ khác như cao su, Việt Nam có ưu thế về nguồn cung, chất lượng bề mặt tốt nhưng vùng nguyên liệu có chứng chỉ FSC hiện chưa đủ đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp.
Trước thực tế này, nhiều doanh nghiệp chọn cách chủ động xây dựng các chuỗi liên kết trồng rừng. Anh Lê Huy Quyền, cán bộ phụ trách nhóm FSC của Công ty Biomass cho biết, trên địa bàn huyện Anh Sơn (Nghệ An) hiện có 29 nhóm FSC, nhóm nhỏ nhất có 30ha, nhóm lớn nhất 200ha, tổng diện tích rừng đang thực hiện FSC lên đến 2.900ha.
“Khi được truyền thông, bà con đều hiểu được lợi ích của việc tham gia làm theo tiêu chuẩn của FSC nên rất nhiệt tình tham gia. Bên cạnh đó, công ty cũng có chính sách hỗ trợ bà con về cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo bao tiêu sản phẩm nên bà con rất yên tâm”, anh Quyền nói.
Mục tiêu 500.000 ha rừng có “chứng chỉ”
Ông Nguyễn Xuân Diện, Vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất Lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) thông tin: Cả nước có gần 14,68 triệu ha rừng, trong đó rừng đặc dụng 2,17 triệu ha; rừng phòng hộ 4,68 triệu ha; rừng sản xuất 7,82 triệu ha. Nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung phục vụ chế biến gỗ được khai thác khoảng 3,69 triệu ha từ rừng trồng sản xuất.
Về phát triển rừng trồng gỗ lớn, cả nước có 489.016 ha rừng trồng gỗ lớn. Trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc có 325.927 ha; đồng bằng Bắc Bộ 1.017 ha; các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ 121.698 ha; Duyên hải Nam Trung Bộ 14.040 ha; Tây Nguyên: 4.545 ha; Đông Nam Bộ 21.525 ha và vùng Tây Nam Bộ 262 ha.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam hiện có 53 đơn vị trồng rừng với 226.429 ha rừng đạt chứng chỉ FSC và 54.529 ha rừng đạt chứng chỉ VFCS/PEFC.
Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng giai đoạn 2021 - 2025, ngành đặt mục tiêu đạt tốc độ gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 5,0 - 5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt 18 - 20 tỷ USD; tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD vào năm 2025. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung đạt 35 triệu m³/năm vào năm 2025; đáp ứng cơ bản nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ và lâm sản; chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 0,5 triệu ha giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập, lúc này cần chủ động được nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào, tiến tới thay thế nguồn gỗ nhập khẩu hiện đang ở mức 5 - 6 triệu m³ mỗi năm như hiện nay.
Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết, để hóa giải những khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ cũng như tránh được việc chồng lấn, tranh chấp vùng nguyên liệu giữa các nhóm ngành hàng trong chế biến gỗ, cần thiết phải xây dựng các chuỗi liên kết trồng rừng có sự tham gia và chia sẻ lợi ích hài hòa giữa người trồng rừng và doanh nghiệp. Theo đó, cần hỗ trợ hơn nữa để nông dân gắn bó với rừng.
Hiện nay, tương tự như cách làm của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam tại Nghệ An, nhiều mô hình doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (VINAFOR) đã có những diện tích rừng đạt FSC, các doanh nghiệp như Woodsland, NAFOCO, Scancia Pacific kết hợp với các hộ trồng rừng ở Tuyên Quang, Yên Bái, Thanh Hóa, Đồng Nai... đã đạt chứng chỉ FSC.
Liên kết hiện được coi là có tiềm năng nâng cao lợi ích kinh tế cho các hộ trồng rừng, ổn định nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào cho các công ty chế biến, tạo ra chuỗi giá trị mà theo đó, các bên phát huy tốt hơn thế mạnh của mình, tạo sự phát triển rừng bền vững.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhìn nhận, muốn nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng thì cần tổ chức làm bài bản. Bộ NN&PTNT đang thí điểm hỗ trợ phát triển rừng trồng, đảm bảo cho chủ rừng có thu nhập để tăng nhanh diện tích rừng có chứng chỉ của các tổ chức FSC và PEFC. Đặc biệt, Bộ đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch Quốc gia ngành lâm nghiệp Việt Nam; trong đó, sẽ tập trung rà soát, đánh giá diện tích đất lâm nghiệp và rừng trồng sản xuất hiện có, tạo vùng nguyên liệu tập trung, đủ lớn; gắn với quy hoạch các cơ sở chế biến, thị trường tiêu thụ.
Từ phía cơ quan quản lý, Tổng cục Lâm nghiệp cũng đang nỗ lực thực hiện 7 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chính trong thời gian tới. Cụ thể, về mặt chính sách, ngành tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động nguồn lực. Tiếp tục triển khai hiệu quả Luật Lâm nghiệp; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp; Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...