Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga Vladimir Ilyichev khi trả lời câu hỏi của các phóng viên đề nghị bình luận về sự kiện các nước trong khu vực ký kết RCEP tại Hà Nội hôm 15/11 vừa qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Thứ trưởng Vladimir Ilyichev khẳng định RCEP sẽ không ảnh hưởng đến các thỏa thuận của Nga với Việt Nam, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU).
Theo quan chức Nga, FTA giữa Việt Nam với EAEU sẽ tiếp tục hoạt động một cách đầy đủ và hiệu quả. “Đồng thời, việc RCEP có hiệu lực sẽ mở ra cơ hội tiếp cận thị trường mới cho các doanh nghiệp Nga có đại diện tại thị trường Việt Nam” - Thứ trưởng Vladimir Ilyichev nhấn mạnh, đồng thời cho biết Bộ Phát triển Kinh tế Nga vẫn đang nghiên cứu nội dung văn bản của hiệp định, nhằm đưa ra những đánh giá và khuyến nghị cụ thể cho giới doanh nghiệp trong nước.
Liên bang Nga, với tư cách là thành viên của EAEU, đã có hiệp định thương mại với Việt Nam (có hiệu lực từ tháng 10/2016), cũng như với Singapore (đã ký năm 2019). Các cuộc đàm phán với Ấn Độ vẫn đang tiếp tục. Ngoài ra, Moskva cũng có một thỏa thuận về hợp tác kinh tế và thương mại đã được ký kết với Trung Quốc, nhưng không quy định việc giảm thuế.
Trước đó, ngày 15/11, trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), 10 quốc gia ASEAN: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines, cùng 5 quốc gia đối tác bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) khẳng định Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.
Tuyên bố chung khẳng định, với thị trường 2,2 tỷ người dân chiếm 30% dân số thế giới, tổng GDP 26,2 nghìn tỷ USD tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.
Tuyên bố chung cũng ghi nhận rằng Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tham vọng nhất do ASEAN khởi xướng, góp phần nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ khu vực và tăng cường hợp tác giữa ASEAN và các nước đối tác.
Hiệp định RCEP bao gồm 20 chương, 17 phụ lục và 54 lộ trình cam kết liên quan đến việc tiếp cận thị trường, các quy tắc và kỷ luật, cũng như hợp tác kinh tế và kỹ thuật.