Hiện thực hóa 'giấc mơ' điện gió

Với tiềm năng của mình, Việt Nam có thể phát triển hàng trăm nghìn MW điện gió cả trên đất liền và ngoài khơi.

Dù vậy, hiện nay, Việt Nam mới chỉ đưa vào một số dự án điện gió với tổng công suất hơn 300 MW, khá chậm so với mức 800 MW vào năm 2020 được đưa ra trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh). Nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này, cần có thêm chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đấu nối, truyền tải điện...

Chưa như kỳ vọng

Báo cáo từ Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, tiềm năng nguồn điện gió Việt Nam có thể phát triển lên đến hàng trăm nghìn MW; trong đó, tiềm năng điện gió ngoài khơi chiếm từ 50 – 60%. Thế nhưng tới thời điểm hiện tại, ngoài các dự án điện gió trên đất liền, chúng ta mới chỉ có duy nhất 1 dự án điện gió ngoài khơi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khảo sát là dự án điện gió Thanglong Wind - khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.

Chú thích ảnh
Công trình điện gió Đầm Nại (huyện Ninh Hải và huyện Thuận Bắc). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN

Trên thực tế, các dự án điện gió ở Việt Nam chưa nhiều. Các dự án được đưa vào khai thác có thể kể đến như: Nhà máy Điện gió Bạc Liêu (99.2 MW), Tuy Phong (30 MW), Phú Qúy (6 MW) và Phú Lạc (24 MW)...

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng điện gió lớn nhất Đông Nam Á với tổng công suất hơn 513.000 MW, cao gấp 6 lần công suất dự kiến của ngành điện vào năm 2020 và lớn hơn nhiều so với tiềm năng các nước trong khu vực như: Thái Lan (152.392 MW), Lào (182.252 MW) và Campuchia (26.000 MW). Như vậy, con số dự kiến khai thác được của nguồn điện này vẫn còn quá khiêm tốn.

Tại Việt Nam, nguy cơ thiếu điện đã được chỉ ra và việc có thêm các nguồn cung điện là rất khó khăn khi có đến hàng chục dự án điện chậm tiến độ. Theo báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), trong số 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì chỉ 15 dự án đạt tiến độ. Còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh). Cho nên, trong giai đoạn 2021-2025 có khả năng xảy ra thiếu điện. Trong bối cảnh đó, các nguồn năng lượng mới từ điện gió, điện mặt trời là nguồn bổ sung rất quan trọng cho nhu cầu tiêu thụ điện.  

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, điện gió trong những năm tới sẽ là giải pháp năng lượng sạch cho Việt Nam, bởi tiềm năng ở Việt Nam trong lĩnh vực này là rất lớn; trong đó, phải kể đến đại dự án điện gió Thanglong Wind ngoài khơi mũi Kê Gà, tỉnh Bình Thuận.

Dự án điện gió Thanglong Wind có công suất 3.400 MW, với số vốn lên đến 11,9 tỷ USD. Nếu được triển khai thành công, dự án sẽ cung cấp một lượng điện sạch rất lớn cho hệ thống điện Việt Nam. Điều này cũng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường trong tương lai. Đây cũng là một dự án tận dụng được các nhà thầu trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa và có thể đưa Việt Nam tiến một bước mới trong lĩnh vực điện gió.

Theo ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng sạch rất lớn cần nghiên cứu, đánh giá, đề xuất lộ trình khai thác hợp lý. Tuy nhiên, để có thể chuyển được từ tiềm năng kỹ thuật sang tiềm năng thương mại, cần nhìn nhận được các khó khăn vướng mắc để tìm giải pháp vượt qua về chính sách khuyến khích, kỹ thuật phức tạp, tác động môi trường...

Gỡ khó

Tại Quy hoạch Điện II (hiệu chỉnh), Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu công suất điện gió 800 MW vào năm 2020; tăng lên 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn để khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực điện gió tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Theo đó, mức giá mua điện 8,5 Uscents/kWh cho dự án trên đất liền và 9,8 Uscent/kWh cho dự án điện gió trên biển được xem là khá hấp dẫn.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với mức giá hấp dẫn cho điện gió, khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến sự tham gia đầu tư ồ ạt của loại hình năng lượng này. Điều này tiếp tục kéo theo những khó khăn cho hệ thống truyền tải của Việt Nam.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Hương Trần, Giám đốc thương mại Công ty Mainstream Renewable Power Việt Nam (công ty chuyên đầu tư năng lượng tái tạo của Ireland) cho hay, hạ tầng cho ngành điện luôn là rào cản khi các nhà đầu tư đưa ra quyết định. Các dự án điện gió thường ở những nơi có phụ tải thấp, cần thời gian và vốn lớn để xây dựng lưới điện truyền tải.

Theo ông Trần Viết Ngãi, với các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng, để giải quyết vấn đề truyền tải, cần quan tâm là vốn đầu tư cho phần điện, gồm: đường dây và trạm, kể cả đường dây và trạm biến áp 500 kV, 220 kV… sẽ do chủ đầu tư làm hay do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm thì cần xác định sớm.

Với dự án điện gió Thanglong Wind, ông Ngãi cho rằng, một dự án lớn với công suất 3.400 MW, thì vấn đề lớn cần quan tâm ngay từ bây giờ là Chính phủ và Bộ Công Thương nghiên cứu cho phép các đơn vị chuyên ngành lập quy hoạch về phát triển điện lực bổ sung vào Quy hoạch Điện VII (hiệu chỉnh), liên quan cả dự án và vấn đề truyền tải điện.

Để làm rõ hơn giá trị kinh tế của điện gió ngoài khơi với nền kinh tế Việt Nam và hướng tháo gỡ những khó khăn, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ tổ chức một hội thảo chuyên biệt cho điện gió; trong đó, sẽ có ý kiến đánh giá từ nhiều chuyên gia trong - ngoài nước, cùng các tập đoàn lớn quốc tế về điện gió như EnterPrize Energy.

Theo ông Ian Hatton, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy, chủ đầu tư dự án dự án điện gió Thanglong Wind, về vấn đề truyền tải, để triển khai dự án, Tập đoàn đã thảo luận với đơn vị tư vấn xem xét hệ thống có thể chịu tải bao nhiêu MW và phải củng cố lưới điện như thế nào khi thực hiện đấu nối. Ngay từ giai đoạn đầu tiên, đơn vị cũng sẽ xây dựng cơ sở đảm bảo kết nối về dài hạn, như: một số trạm, đường dây chờ sẵn cho kết nối dưới lòng biển để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện.

Để thúc đẩy triển khai năng lượng điện gió, Chính phủ Việt Nam đã có cơ chế rất hấp dẫn về giá. Tuy nhiên, về thời hạn của mức giá này chỉ đến tháng 11/2021, tức là chỉ còn khoảng 2 năm nữa cho các dự án điện gió đi vào vận hành để hưởng mức giá này.

“Để xây dựng thành công dự án điện gió ngoài khơi, sẽ mất thời gian khoảng 2 năm cho mỗi giai đoạn dự án, trong khi các dự án trên đất liền sẽ có thời gian ngắn hơn. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam có thể có cơ chế giá theo hướng bậc thang xuống, ban đầu giá này có thể cao, nhưng sau trong quá trình thực hiện dự án có thể hạ giá xuống. Điều này sẽ giúp chúng tôi huy động tài chính một cách dễ dàng hơn”, Chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy nói.

Đức Dũng (TTXVN)
Làm gì để đưa Điện gió Kê Gà vào quy hoạch điện?
Làm gì để đưa Điện gió Kê Gà vào quy hoạch điện?

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhiều dự án điện đang chậm tiến độ, không thể đưa vào hoạt động trong nhiều năm tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN