Liên quan đến nội dung này, tại buổi họp báo quý III/2023 của Bộ Xây dựng diễn ra chiều 19/10, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng lý giải, với tốc đô thị hóa hiện đã sát ngưỡng 50% thì rõ ràng nguồn lực cho hệ thống thoát nước và hạ tầng khác còn hạn chế, chưa đáp ứng kịp.
Bên cạnh đó, nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với phát triển đô thị cũng rất hạn chế. Đơn cử như hệ thống thoát nước hiện mới chỉ đáp ứng 20 - 30% nhu cầu phát triển và tăng trưởng của đô thị hóa.
Bà Trần Thu Hằng chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ liên quan, cùng các địa phương có giải pháp trước mắt để ngăn chặn tình trạng ngập úng này; đặc biệt là rà soát công tác quy hoạch với một số nội dung liên quan như cao độ xây dựng, mức nước điều tiết hồ thủy lợi, thủy điện… Mục tiêu đặt ra là đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế khi xảy ra ngập úng.
Ngoài giải pháp trước mắt, dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực quy hoạch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho rằng vẫn cần có giải pháp lâu dài.
Theo bà Trần Thu Hằng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Nghị quyết 06 có yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng chiến lược, chương trình, đề án để có được giải pháp triển khai phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.
Đây cũng chính là giải pháp căn cơ, mang tính toàn diện và cần phối hợp với nhiều ngành để thực hiện. Bên cạnh đó, cần đổi mới và xây dựng hệ thống thể chế; trong đó, giao Bộ Xây dựng đề xuất và xây dựng Luật Quy hoạch Đô thị nông thôn, Luật Quản lý đô thị, luật về cấp thoát nước…, bà Hằng chia sẻ.
“Hệ thống pháp luật khung quan trọng này trong 2024 và 2025 phải trình Chính phủ; trong đó, sẽ có các giải pháp bằng chính hệ thống thể chế, bằng công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị và đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong những nội dung chính yếu của hệ thống pháp luật này”, bà Hằng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường thẩm định phê duyệt của các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch chung đô thị, phân khu chi tiết… Hiện công tác quy hoạch cũng đã đưa ra yêu cầu là phải lồng ghép với vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và dự báo được kịch bản về biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Tuy nhiên, theo bà Hằng, những nội dung này cần có sự chuẩn bị kỹ càng. Ở góc độ thẩm định, Bộ Xây dựng đã chú trọng việc tôn trọng cảnh quan tự nhiên, hệ thống sinh thái, đặc biệt là vấn đề hồ nước, kênh mương dể làm sao giữ lại hệ sinh hái tự nhiên, gắn sự phát triển đô thị trong phát triển bền vững.
Do đó, cần tổ chức tập trung thực hiện quy hoạch cũng là giải pháp phải tính toán khi trình duyệt các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch đô thị liên quan. Đặc biệt, cần đưa giải pháp lồng ghép hệ thống chỉ tiêu hạ tầng xanh, công trình xanh vào quy hoạch để có thể giảm thiểu việc tăng carbon, gây ảnh hưởng và ô nhiễm môi trường, hướng tới phát triển bền vững.