Ám ảnh những kênh mương thoát nước thải hôi thối lộ thiên giữa lòng nội đô

Bẩn thỉu, tù đọng, ngập ngụa rác thải các loại, nước đen kịt bốc mùi hôi thối… là đặc điểm chung của rất nhiều kênh mương đang tồn tại giữa lòng nội đô Hà Nội. Thực tế này đang là nỗi “ám ảnh” đối với hàng nghìn hộ dân sinh sống xung quanh khu vực này.

Mặc dù hàng năm, các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương ở cơ sở đã thường xuyên duy trì khơi thông, nạo vét, cải tạo dòng chảy, thu gom rác, cải thiện cảnh quan... nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường trong khi chờ các nguồn vốn để cứng hóa, cống hóa kênh mương, nhưng tình trạng bốc mùi xú uế từ những “điểm đen” lộ thiên vẫn chưa được cải thiện và người dân vẫn phải hàng ngày sống chung.

Video những dòng kênh mương gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giữa lòng Hà Nội:

Không khó để mục sở thị hàng trăm tuyến kênh mương tồn đọng rác thải, hôi thối  như: Kênh mương thoát nước trên phố Ngọc Thụy (quận Long Biên), kênh mương Kẻ Khế đoạn từ ngõ 294 Kim Mã đến phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình), kênh mương tại ngõ 167 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), kênh mương khu vực Bưởi - Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy)...

Chú thích ảnh
Rác thải ngập ngụa che lấp toàn bộ bề mặt kênh mương thoát nước trên phố Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Chú thích ảnh
Kênh mương nước tù đọng, đen ngòm, bốc mùi hôi thối giữa hai dãy nhà dân trong ngõ 69 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ) đang chờ các đơn vị thi công cứng hóa mặt kênh.  
Chú thích ảnh
Toàn bộ nước thải của các hộ dân nơi đây xả thẳng ra dòng kênh không qua xử lý tại ngõ 167 phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Do không được nạo vét thường xuyên, nên dòng kênh đen ngòm, bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường khu vực.
Chú thích ảnh
Theo thời gian, hai bờ kênh mương tại đây trở thành bãi rác thải khổng lồ, càng làm gia tăng tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chú thích ảnh
Dự án cống hóa, cứng hóa kênh mương tại đây triển khai "ì ạch", gây không ít khó khăn cho sinh hoạt của người dân. 

Người dân sinh sống xung quanh các kênh mương này khi gặp phóng viên đều bức xúc phản ánh: Đã nhiều lần đề xuất, đề nghị với các cấp chính quyền địa phương trong các cuộc họp tổ dân phố về việc sớm có giải pháp xử lý triệt để, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước mặt, ổn định cuộc sống, nhất là triển khai các dự án cứng hóa, cống hóa kênh mương. Tuy nhiên, không dễ để có nguồn vốn sớm hiện thực hóa chủ trương này. 

Do không bị xử lý, không ai xử lý, nên tình trạng rác thải các loại vứt bừa bãi xuống các dòng kênh mương, lâu ngày ứ đọng, bốc mùi xú uế, trở thành các ổ dịch bệnh và người dân đã phải chung sống bao năm nay... "Ngày mưa còn đỡ, vào ngày nắng nóng, oi bức, mùi hôi thối từ những cống nước đen ngòm tại các kênh mương bốc lên ngạt thở, người dân sinh sống gần các khu vực này mặc dù đã quen, nhưng nhiều lúc cũng thấy choáng váng đầu óc...”, một người dân chia sẻ.

Chú thích ảnh
Kênh mương tù đọng, hôi thối tại ngõ 61 phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình), nếu đi ngoài phố không thể nhận ra dòng kênh "chết" này.
Chú thích ảnh
Rác thải ngập ngụa hai bên bờ kênh, lòng mương ứ đọng bùn thải.
Chú thích ảnh
Người dân sinh sống hai bên bờ kênh mương tù đọng khu vực Bưởi - Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) đang hàng ngày phải hít thở bầu không khí ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng.
Chú thích ảnh
Mặc dù hàng ngày có nhân viên vệ sinh môi trường ở cơ sở vớt rác thải, hạn chế tắc nghẽn dòng kênh, nhưng chỉ như "muối bỏ biển".
Chú thích ảnh
Dòng chảy của kênh mương thoát nước trong ngõ 115 phố Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) từ lâu đã bị tắc nghẽn bởi rác thải sinh hoạt các loại. Thỉnh thoảng có nhân viên y tế đi phun thuốc phòng ngừa chống và hạn chế phát tán các ổ dịch bệnh tại đây.

Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng, chính quyền các quận, huyện đã có nhiều biện pháp trước mắt "giải cứu" các kênh mương bị ô nhiễm, bố trí nhân lực các đơn vị thuộc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội bảo đảm vệ sinh môi trường bằng việc hàng ngày vét bùn đáy mương, vớt rác, thu gom, vận chuyển rác thải ra khỏi khu vực ô nhiễm... Tuy nhiên, về lâu dài, chính quyền các địa phương, các đơn vị chức năng cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không đổ rác bừa bãi; yêu cầu các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy, cửa hàng xăng dầu... gần các kênh mương lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ trước khi xả thải vào hệ thống thoát nước.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong khi năng lực xử lý hạn chế, lượng nước thải từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày của người dân Thủ đô lớn, khoảng 300.000 tấn, đây là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước, không khí... Do đó, Hà Nội vẫn cần những giải pháp căn cơ, dài hơi, để cứu hệ thống kênh mương đang "thoi thóp". Đồng thời, chính quyền các địa phương cần quản lý chặt chẽ quá trình phát triển đô thị, nghiêm cấm xây dựng với các công trình không có hệ thống xử lý nước thải đầu nguồn đạt tiêu chuẩn. Bởi thực tế, hệ thống kênh mương thoát nước ở Hà Nội hiện nay ô nhiễm nghiêm trọng là do tiếp nhận nguồn nước thải đổ thẳng trực tiếp, không qua xử lý...

Qua tìm hiểu, từ năm 2012, UBND quận Tây Hồ đã triển khai dự án “Cải thiện môi trường vệ sinh khu dân cư xung quanh kênh mương thoát nước trên phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Thế nhưng đến nay, đã gần chục năm trôi qua, dự án này vẫn chưa hoàn thành. Nhiều hộ dân đã phải khóa cửa, chuyển tạm đi nơi khác vì không chịu nổi môi trường sống quanh những kênh mương nước thải lộ thiên... Thực trạng này đang diễn ra tương tự tại nhiều quận nội đô, vì khó huy động nguồn vốn xã hội hóa để cống hóa, cứng hóa kênh mương. 

Chú thích ảnh
Cảnh tồn đọng rác thải, không khí ô nhiễm nghiêm trọng tại đây đang là trở thành nỗi "ám ảnh" với người dân. 
Chú thích ảnh
Dòng kênh mương thoát nước "đã chết" trên phố Trần Cung.
Chú thích ảnh
Kênh mương thoát nước thải tại ngõ 409 Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng) đen kịt, bốc mùi hôi thối, đang là nỗi thống khổ hàng ngày phải chịu đựng của người dân nơi đây.   
Chú thích ảnh
Mỗi khi trời mưa gió, nước cống đen chảy siết mang theo rác thải các loại càng khiến mùi xú uế bốc lên, lan rộng cả khu vực.
Chú thích ảnh
Cửa cống hàng ngày xả trực tiếp nước thải sinh hoạt, khiến bùn thải tại kênh mương trên phố Hạ Yên Quyết (quận Cầu Giấy) lâu ngày ứ đọng đặc quánh. 
Chú thích ảnh
Lớp bùn thải đặc quánh gây tắc nghẽn dòng kênh. 

Tồn tại từ nhiều năm nay giữa lòng Thủ đô, hàng trăm tuyến kênh mương thoát nước thải như những miệng cống lộ thiên đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với người dân về ô nhiễm môi trường. Theo rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hàng ngày, còn tới 78% đang được xả thải thẳng ra môi trường. Đây là nguyên nhân khiến hàng loạt các kênh mương thoát nước thải ứ đọng bùn thải, rác thải, ô nhiễm.

Thực tế trên ở Hà Nội đã đến mức báo động, ngoài các giải pháp liên quan đến vấn đề thu gom, xử lý chất thải, nước thải, nguồn thải của các cấp chính quyền đô thị, ý thức của mỗi người dân tại khu dân cư, trong cộng đồng đối với vấn đề bảo vệ môi trường cũng góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm hiện nay. 

Bài, ảnh, video: Đăng Sơn/Báo Tin tức
Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường
Nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm, gây ô nhiễm môi trường

Người dân có thể sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi dữ liệu, cung cấp cho cơ quan chức năng để “phạt nguội” đối với những hành vi gây ô nhiễm môi trường nơi công cộng. Đây là một trong những quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022.  

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN