Hệ lụy khai thác đá xây dựng tại Bắc Kạn

Tỉnh Bắc Kạn hiện có hơn 20 mỏ đá đang hoạt động, điều này không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, mà còn tạo được nhiều việc làm cho bà con nơi đây.

Tuy nhiên, do việc quản lý còn lỏng lẻo nên mang lại nhiều hệ lụy cho môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sống quanh mỏ đá.     

Sai về quy trình khai thác 

Theo quy định chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN04: 2009/BCT, các đơn vị phải khai thác theo thiết kế cơ sở đã được các ngành chức năng tham gia ý kiến, khai thác tạo tầng, hạ thấp độ cao, thực hiện khai thác từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Song hầu hết các mỏ đá ở Bắc Kạn đều không có thiết kế cơ sở nhưng vẫn khai thác. Ngoài ra, có mỏ triển khai khoan nhồi mìn ngay ở ngang vách đá, có mỏ thì nổ mìn đá bắn cả vào nhà dân, bắn xuống đường dân sinh hoặc làm hư hỏng hoa màu của người dân trong khu vực. Vi phạm phổ biến nhất là các mỏ đá đều không cắt tầng khai thác theo đúng quy trình, quy phạm, với độ dốc khoảng 70 - 85 độ, không đảm bảo an toàn cho người và thiết bị làm việc dưới chân tầng. Với đặc điểm khai thác tạo thành vách đứng như vậy, sau mỗi đợt nổ mìn sẽ xuất hiện những tảng đá treo, mất ổn định, luôn có nguy cơ trượt đá hoặc lăn đá, gây nguy hiểm.   

Xe đổ đất tràn xuống ruộng lúa của người dân thuộc địa phận thị trấn Ba Bể, huyện Ba Bể. Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN

Theo quy định về khai thác đá, mỏ đá phải nằm xa khu dân cư với khoảng cách tối thiểu là 300 m. Nhưng mỏ đá Nà Cà, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch, Bắc Kạn lại nằm ở giữa trung tâm thôn và chỉ cách hộ dân gần nhất là 80 m.  

Theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực này, đá bay vào nhà dân là chuyện thường xảy ra, nhà thì bị thủng mái, nhà bị vỡ đồ, có trường hợp đá văng vào vườn còn làm hỏng mắt trâu, bò. Cũng may, do có thông báo về giờ nổ mìn để mọi người nấp vào nơi an toàn nên chưa có ai bị thương bao giờ. Để an lòng dân, mỗi lần xảy ra sự cố, đại diện mỏ đá cũng rất nhanh chóng khắc phục bằng cách thay ngói mới miễn phí cho người dân. Vì vậy, những ngôi nhà ở đây tuy rất cũ kỹ nhưng ngói lúc nào cũng mới.    

Ông Trương Trung Ánh, Bí thư chi bộ thôn Nà Cà cho biết: Việc này xảy ra bắt đầu từ năm 2011, hàng ngày người dân phải sống chung với khói bụi, tiếng ồn do khoan và nghiền đá. Nguy hiểm nhất là việc đá văng do nổ mìn, tuy chưa gây thương vong về người nhưng hậu quả gây ra là rất lớn, ảnh đến đời sống và tinh thần người dân. Ông Ánh còn cho biết thêm, từ khi có việc nổ mìn khai thác đá đã xuất hiệt tình trạng nhiều nhà dân bị rạn nứt nghiêm trọng. Nặng nhất là nhà 2 tầng của ông Nông Văn Khén với hơn 30 vết nứt lớn nhỏ khắp nhà và có nguy cơ bị đổ sập bất cứ lúc nào.

Lỏng lẻo trong công tác quản lý 

Tương tự như ở huyện Bạch Thông, tại huyện Chợ Đồn cũng tồn tại nhiều mỏ quá gần khu dân cư gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. Điển hình nhất là mỏ đá Kẹm Trình và Lũng Váng, cả hai mỏ này chỉ cách khu dân cư và đường giao thông chưa đến 150 m. Điều đáng nói ở đây là trước khi UBND tỉnh ra một quyết định cấp phép cho một mỏ đá nào đó phải có rất nhiều cơ quan chức năng tham mưu, thẩm định rất kỹ, nếu đủ điều kiện mới được cấp mỏ. Tuy vậy, việc cấp mỏ sai điều kiện ở Bắc Kạn không phải là chuyện hiếm.     

Không những thế, việc khai thác đá phần lớn là sai quy trình, nên gây nguy hiểm đến khu vực xung quanh, đơn cử như mỏ Kéo Pựt (Pác Nặm), mỏ Phia Còng (Na Rì), mỏ Kẹm Trình (Chợ Đồn)… Cùng với đó, các doanh nghiệp khai thác đá đều đầu tư manh mún, chắp vá, thiếu định hướng dài hạn, nhiều doanh nghiệp còn chưa chấp hành nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Ngoài ra, các phương án bảo vệ môi trường, an toàn khai thác mỏ, quy trình vận hành máy móc thiết bị… đều không được thực hiện đúng như cam kết khi làm thủ tục xin giấy phép.    

Việc mỏ đá Nà Cà được cấp quá gần khu dân cư đã được phản ánh trong nhiều cuộc họp, đồng thời cũng đã có nhiều đoàn công tác đi kiểm tra nhưng không hiểu sao đến tháng 11/2014, chủ mỏ đá Nà Cà lại được cấp một giấy phép khai thác mới của UBND tỉnh Bắc Kạn với thời gian là 26,5 năm. Điều này gây không ít bất bình trong dư luận nhân dân nơi đây.    

Đặc biệt, Mỏ đá Nà Cà chỉ cách trụ sở của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Kạn hơn 10 km, nhưng ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc sở này lại khẳng định: “Tôi chưa nắm được tình hình cụ thể, mức độ vi phạm đến đâu… Trong thời gian tới, Sở sẽ cho người đi kiểm tra cụ thể, nếu phát hiện sẽ trình UBND tỉnh để đóng cửa mỏ”.   

Ông Trương Trung Ánh, Bí thư chi bộ thôn Nà Cà bức xúc nói: “Đã có rất nhiều đoàn về thanh kiểm tra, trong đó có cả thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, khi các đoàn này rút đi thì mọi việc lại đâu vào đấy. Tôi kiến nghị, đã thanh tra thì phải làm triệt để, đừng thanh tra kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” để rồi lại khổ dân”.    

Phải khẳng định rằng, việc hoạt động của các mỏ đá đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế của địa phương. Tuy vậy, cũng phải cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát, không để xảy ra tình trạng mất an toàn lao động và ảnh hưởng đến đời sống người dân. 
Mạnh Hà
Nhức nhối nạn khai thác đá trái phép
Nhức nhối nạn khai thác đá trái phép

Từ đầu những năm 2000, tình trạng khai thác đá trái phép bắt đầu diễn ra tại ấp 3, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Ban đầu, việc khai thác đá diễn ra nhỏ lẻ với một vài cơ sở, song do chính quyền vào cuộc thiếu quyết liệt nên 15 năm sau, đã có hàng chục cơ sở khai thác đá trái phép hoạt động tại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN