Hậu Giang giải quyết tồn đọng nông sản cho dân

Cùng với việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, tỉnh Hậu Giang đồng thời thực hiện "nhiệm vụ kép" là phát triển kinh tế. Tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19, nhiều nông sản của tỉnh đang bị ảnh hưởng khâu tiêu thụ. Nhiều sở, ngành tỉnh Hậu Giang đang nỗ lực giải quyết tồn đọng nông sản cho người dân.

Chú thích ảnh
 Ảnh minh họa: Hồng Thái/TTXVN

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, ngành công thương đã hỗ trợ phân phối và tiêu thụ các nông sản trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, ngành công thương vận động công chức, viên chức, người lao động, người tiêu dùng và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, nhất là hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân kết nối thông tin với các đơn vị thu mua, đơn vị tiêu thụ nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách kịp thời.

Ngành công thương tỉnh Hậu Giang phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan để có phương án hỗ trợ đơn vị vận chuyển, giao nhận linh hoạt từ điểm tập kết thu mua đến các nơi tiêu thụ. Đồng thời, tổ chức các điểm thu mua, giữa các hợp tác xã, nông dân với đơn vị vận chuyển và đơn vị tiêu thụ.

Sở Công Thương Hậu Giang phối hợp hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tham gia bán hàng online trên các trang thương mại điện tử; đăng thông tin nông sản của tỉnh trên app Haugiang và phối hợp với ViettelPost, Bưu điện tỉnh kết nối tiêu thụ nông sản người dân có nhu cầu. 

Sở Công Thương còn phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối tiêu thụ. Qua việc vận động và kết nối các đơn vị, doanh nghiệp đã có khoảng 200 tấn nông sản các loại được thu mua.

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa tiêu thụ gần 200 tấn sản phẩm từ các hợp tác xã và cơ sở sản xuất trên địa bàn; lực lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn đăng ký hỗ trợ tiêu thụ được hơn 11 tấn nông sản các loại.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, đơn vị đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh chỉ đạo phòng chuyên môn cấp huyện báo cáo số lượng nông sản. Trước mắt là sản phẩm dưa lê, nhãn, chôm chôm… của địa phương còn tồn đọng và gặp khó khăn trong tiêu thụ. Khi có số lượng và địa chỉ cụ thể của mặt hàng nông sản còn tồn đọng trong dân, địa phương xem xét bố trí các địa điểm thu gom trên địa bàn để các cơ quan, đơn vị liên quan thuận tiện trong việc tổ chức thu mua kịp thời.

Cũng theo ông Trần Chí Hùng, từ nay đến cuối năm, sản lượng cây ăn trái của tỉnh sẽ đạt hơn 100 nghìn tấn; rau màu đạt hơn 35 nghìn tấn, chăn nuôi các loại đạt gần 12 nghìn tấn; thủy sản các loại gần 46 nghìn tấn; trong đó, một số nông sản đang vào vụ thu hoạch có sản lượng lớn cần hỗ trợ tiêu thụ là: cam, dưa lê, chôm chôm, nhãn… tập trung chủ yếu trên địa bàn thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp....

Theo ông Mai Văn Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, bắt đầu từ hôm nay 11/8, tỉnh triển khai bố trí 8 điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa thiết yếu trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cắm bảng "Điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa" và chủ trì tổ chức quản lý, điều hành toàn bộ hoạt động tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa trên địa bàn địa phương quản lý.

Bà Võ Kim Nga, ở ấp 3, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh cho hay, với khoảng 2.000 m2 trồng đứa bắt đầu cho thu hoạch, nhưng bà chưa biết bán cho ai. Bắt đầu từ 11/8, thành phố Vị Thanh thực hiện "vùng xanh" an toàn COVID-19. Người dân trong vùng xanh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, hàng hóa thiết yếu được tiếp nhận chủ yếu tại các chốt kiểm soát, việc bốc xếp, vận chuyện hàng phải do người tại địa phương thực hiện nên tiêu thụ dứa sẽ có phần ảnh hưởng.

Hậu Giang đang kỳ vọng phát triển khu vực nông nghiệp trong những tháng còn lại của năm 2021, để đạt mức tăng trưởng 2,25%/năm, nhằm góp phần đưa tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh được cải thiện.

Vì dịch bệnh COVID-19, từ tháng 7/2021 đến nay, khu vực công nghiệp, thương mại của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp lớn tạm ngưng hoặc sản xuất cầm chừng; hơn 10 nghìn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất doanh, hộ cá thể dừng hoạt động, nhất là lĩnh vực du lịch, dịch vụ thì hầu như đóng cửa, tăng trưởng khó đạt kế hoạch đề ra.

Duy Ba (TTXVN)
Bắc Giang đầu tư nâng cao chất lượng các nông sản chủ lực
Bắc Giang đầu tư nâng cao chất lượng các nông sản chủ lực

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển triển nông thôn Bắc Giang Lê Bá Thành, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng các nông sản, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN