Cùng với đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 cây vải thiều đạt diện tích khoảng 26.500 ha tập trung chủ yếu tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên…; sản lượng vải thiều đạt 150.000 - 160.000 tấn; trong đó, diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 19.600 ha với sản lượng 109.000 tấn, sản lượng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu 65.000 tấn.
Dự kiến, đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 5.000 ha cam, sản lượng đạt khoảng 67.000 tấn; diện tích bưởi đạt khoảng 4.600 ha, sản lượng đạt 50.000 tấn. Diện tích gieo trồng cây lúa đạt trên 100 nghìn ha, sản lượng 595 nghìn tấn; diện tích lúa chất lượng 48 nghìn ha với sản lượng 296 nghìn tấn.
Ông Lê Bá Thành cho biết, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 diện tích sản xuất rau các loại đạt 27.000 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Lục Nam, Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Việt Yên, Yên Dũng..., sản lượng đạt 513 nghìn tấn; trong đó vùng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ tại các siêu thị, khu công nghiệp và cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu với quy mô diện tích khoảng 10.000 ha, sản lượng đạt 209 nghìn tấn.
Ngoài ra, tỉnh sẽ đầu tư mở rộng sản xuất, đến năm 2025 phát triển đàn gà với quy mô tổng đàn đạt khoảng 17 triệu con, sản lượng thịt hơi đạt 44,5 nghìn tấn, 600 triệu quả trứng; đàn lợn đạt khoảng 1,3 triệu con, sản lượng thịt lợn hơi đạt 205 nghìn tấn…
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản đảm bảo an toàn dịch bệnh; tăng cường thông tin, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang; thực hiện tốt các kế hoạch của địa phương về sản xuất vải thiều an toàn dịch bệnh; kế hoạch về tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh COVID-19; thành lập Tổ chỉ đạo sản xuất an toàn trong điều kiện dịch COVID-19, Tổ hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để phối hợp với các địa phương hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, Bắc Giang tạo điều kiện, hỗ trợ các thương lái, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải các biện pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm, tập huấn về phòng chống dịch, khử khuẩn phương tiện, khi đảm bảo điều kiện sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn phòng chống dịch COVID-19; tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện thu mua, sơ chế, chế biến nông sản như sấy khô, ép nước, cấp đông…
Ngoài ra, Bắc Giang thiết lập, hỗ trợ người dân tham gia các kênh bán hàng online trên mạng xã hội (Zalo, Facebook), các sàn giao dịch thương mại điện tử; kêu gọi các tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố tham gia tiêu thụ nông sản của tỉnh. Các ngành, địa phương phối hợp với bà con nông dân để thành lập kênh bán hàng tại các xã; tổ chức các điểm tập kết nông sản và hướng dẫn các phương tiện ra, vào khu tập kết đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch COVID-19…
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh tiêu thụ vải thiều, mời gọi doanh nghiệp đến tiêu thụ vải thiều thông qua sàn thương mại điện tử; tuyên truyền, quảng bá sản phẩm tại các hội nghị xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ với các kênh phân phối tại các hệ thống siêu thị. Đồng thời, tỉnh mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư cho chế biến và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: gà, lợn, gỗ, rau, hoa quả; tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng mô hình chuyển đổi số và liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang...
Hiện tại, tỉnh Bắc Giang đang sản xuất nhiều loại nông sản chủ lực của địa phương. Trong số này, Bắc Giang có vùng sản xuất vải thiều tập trung đạt diện tích 28.100 ha, chiếm 54,8% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh và lớn nhất toàn quốc, sản lượng đạt trên 200.000 tấn vụ năm 2021. Vùng sản xuất vải để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... cấp 18 mã số vùng trồng, diện tích 218 ha, sản lượng đạt khoảng 1.800 tấn. Vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản với 30 mã số vùng trồng, diện tích 219 ha, sản lượng đạt khoảng 1.800 tấn.
Diện tích lúa chất lượng chiếm 39,8% diện tích lúa toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Yên Dũng, Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang. Lúa chất lượng được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với các hộ nông dân tổ chức sản xuất thành vùng có hệ thống tưới tiêu chủ động, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, cơ giới hóa khâu làm đất và thu hoạch, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Tổng diện tích rau các loại của tỉnh Bắc Giang cả năm nay dự kiến đạt trên 25.500 ha, sản lượng đạt trên 449.700 tấn; trong đó diện tích rau chế biến, rau an toàn trên 8.400 ha, sản lượng đạt trên 166.900 tấn.
Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã hình thành một số vùng sản xuất rau chế biến tập trung tại các huyện Tân Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam với các loại sản phẩm chủ yếu là dưa chuột bao tử, cà chua bi, dưa chuột Nhật, khoai tây chế biến Atlantics, hành lá... Trong tổ chức sản xuất, đã hình thành các mô hình sản xuất có sự liên kết giữa "4 nhà". Sản phẩm rau chế biến của tỉnh đã được xuất khẩu sang thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Đông, EU...
Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang hiện có tổng diện tích 400 ha, ước sản lượng năm nay khoảng 8.800 tấn dưa các loại; diện tích khoảng 600 ha, sản lượng năm nay khoảng 9.500 tấn dứa. Tổng đàn lợn của tỉnh đạt trên 1 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng dự kiến năm nay đạt trên 166.000 tấn; tổng đàn gà trên 16 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt khoảng 42.000 tấn…