Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Nhiều khó khăn, thách thức
Thống kê của Google cho biết: Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng khoảng 18% trong năm qua. Quý III/2024, các sàn cũng ghi nhận tăng trưởng khoảng 18%. Những con số thể hiện sự thành công trên các sàn thương mại điện tử chính là thách thức mà hàng hóa Việt Nam phải đối mặt.
Theo đó, sự gia tăng mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Shopee, Lazada, TikTok Shop, Temu, Shein, Taobao... với lợi thế cạnh tranh về giá cả, mẫu mã và vận chuyển làm tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp nội địa. Họ đã thành công trong việc chinh phục thị trường lớn của Trung Quốc và từ đó tiếp tục đẩy mạnh hàng hóa sang các nước khác; trong đó, có Việt Nam. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử này không chỉ mang đến những sản phẩm giá rẻ, mà còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống logistics, thời gian giao hàng nhanh chóng và mức độ cạnh tranh giá rất khốc liệt.
Các nghiên cứu, khảo sát thị trường hàng hoá Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam cho thấy, cùng với việc sản xuất ra hàng loạt sản phẩm tiêu dùng với giá thành cạnh tranh, Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng trung tâm logictics, kho hàng sát biên giới, đặc biệt là trung tâm xử lý đơn hàng tự động dọc biên giới với nước ta.
Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ logistics (LTS) Nguyễn Thành Trung cho rằng, logistics vẫn là điểm yếu khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn, không chỉ trong việc cạnh tranh với đối thủ nước ngoài mà còn ngay trên thị trường nội địa. Các doanh nghiệp Trung Quốc tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách tập trung hàng hóa tại những địa điểm gần khu vực tiêu thụ lớn nhất. Nhờ vậy, tốc độ giao hàng được rút ngắn đáng kể, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội. Đặc biệt tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, có tiềm năng vượt trội để trở thành trung tâm logistics khu vực.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam Trương Gia Bảo, người dùng đang dành nhiều giờ online hơn, vì vậy ngân sách cho quảng cáo cũng theo xu hướng này. Chi tiêu quảng cáo tại thị trường quảng cáo Việt Nam dự kiến đạt 2.763 triệu USD vào năm 2024. Với xu hướng kỹ thuật số đang phát triển hiện nay, dự kiến đến năm 2029 có đến 60% tổng chi tiêu quảng cáo sẽ đến từ các nguồn kỹ thuật số.
Các chuyên gia thương mại nhận định, sức ép từ hàng hóa thời trang và phụ kiện thời trang ở phân khúc trung bình và thấp của Trung Quốc với hàng Việt hiện nay là có thật và ngày càng áp lực, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Sâu xa hơn là ảnh hưởng đến thành quả Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được phát động trong nhiều năm qua.
Phát huy lợi thế
Theo Bộ Công Thương, nhờ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam sau 15 năm triển khai, tỷ trọng hàng Việt Nam tại hệ thống phân phối trong nước tăng trưởng rõ nét, khi hiện tại chiếm trên 85% hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại. Doanh thu bán lẻ hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước.
Thực tế, không chỉ là hàng hóa tiêu dùng thông thường, mà nhiều mặt hàng là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, sản phẩm thuốc lá điện tử bị làm giả với số lượng lớn cũng được kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử. Điều này đã đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Hàng hóa vi phạm được trà trộn, vận chuyển trong các kiện hàng, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán và gửi tới khách hàng thông qua đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát nhanh nên khó phát hiện.
Tại tỉnh Bình Dương, nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng hàng Việt Nam, tỉnh tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” vào tháng 9/2024 tại thành phố Thủ Dầu Một. Song song đó, nhiều điểm giới thiệu sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đã được triển khai, giúp người tiêu dùng tiếp cận những sản phẩm đạt chuẩn và an toàn. Điển hình là “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP” tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, nơi hơn 100 sản phẩm OCOP và nông sản an toàn được trưng bày và cung cấp đến người tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương Bình Dương, hệ thống phân phối hàng hóa tại tỉnh đã phát triển khá toàn diện với hơn 98 chợ, 12 siêu thị và 5 trung tâm thương mại, giúp người dân từ thành thị đến nông thôn dễ dàng tiếp cận sản phẩm hàng Việt. Đặc biệt, hàng Việt chiếm tới 80% trong hệ thống phân phối, khẳng định niềm tin và sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với sản phẩm trong nước.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước trên lĩnh vực thương mại điện tử cần sớm nghiên cứu thay đổi quy định về miễn đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhằm hạn chế tình trạng hàng giá rẻ Trung Quốc nhập khẩu tràn vào Việt Nam.
Theo Ủy viên Ban thường vụ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Xuân Thảo, việc phát triển hệ sinh thái logistics và chuỗi cung ứng xanh là một trong những giải pháp quan trọng. Sử dụng xe máy điện cho giao hàng, tăng cường ứng dụng AI và học máy trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao hình ảnh của hàng Việt, tạo sự khác biệt trên các sàn thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, việc tận dụng các công cụ marketing số như livestream, quảng cáo trên mạng xã hội và ứng dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận tốt hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là Gen Z, thế hệ tiêu dùng hiện đại,…