Tổng cục Thuế: Thu đúng, thu đủ thuế với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới

Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động quản lý thuế đối với các sàn thương mại điện tử cả trong nước và sàn thương mại điện tử có yếu tố xuyên biên biên giới mà hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đều được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo thu đúng, thu đủ, công bằng, minh bạch theo đúng quy định pháp luật thuế của Việt Nam. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể có hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam yên tâm sản xuất kinh doanh và có đóng góp nghĩa vụ thuế vào ngân sách của Nhà nước. 

Theo quy định Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) thì hoạt động kinh doanh sàn thương mại điện tử là hoạt động phải được cấp phép và chịu quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Đối với quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số được cơ quan thuế quản lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư số 80/2021/TT-BTC. Theo đó, các nhà quản lý sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai, tự nộp thuế trực tiếp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. 

Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số có tính chất xuyên biên giới, nhà cung cấp nước ngoài nếu có phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện việc đăng ký thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện rà soát và có các biện pháp xử lý phù hợp để đảm bảo quản lý thuế hiệu quả, minh bạch và công bằng đối với các hoạt động kinh doanh truyền thống. 

Trường hợp, nhà cung cấp nước ngoài khai chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định doanh thu đề nghị nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận, trốn thuế. 

Tổng cục Thuế cho biết, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới là hoạt động mới phát sinh tại Việt Nam, có nhiều đặc điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh truyền thống. Để đảm bảo quản lý hiệu quả đối với hoạt động này, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã kịp thời nghiên cứu, tham mưu các các cấp có thẩm quyền ban hành cơ sở pháp lý và triển khai vận hành Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Thống kê từ Tổng cục Thuế, đến nay đã có 115 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký và thực hiện nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, với tổng số thuế nộp vào ngân sách nhà nước đạt hơn 18 nghìn tỷ đồng. 

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông phản ánh mạnh mẽ về sự cạnh tranh không lành mạnh của sàn thương mại điện tử Temu tại thị trường Việt Nam khi hoạt động chưa được cấp phép, bán hàng rầm rộ và cạnh tranh không công bằng với doanh nghiệp nội địa.

Tổng cục Thuế cho biết, ngày 4/9/2024, sàn thương mại điện tử Temu đã được công ty chủ sở hữu đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế và được cấp mã số thuế số: 9000001289. 

Về thời hạn khai thuế, nộp thuế, Tổng cục Thuế cho biết, theo quy định tại Thông tư số 80/2021/TT-BTC, sàn Temu sẽ bắt đầu nộp tờ khai từ thời điểm quý III/2024 (thời hạn kê khai thuế của tờ khai quý III/2024 là ngày 31/10/2024) kê khai cho doanh thu từ thời điểm bắt đầu hoạt động tại Việt Nam.

Thùy Dương (TTXVN)
Thương mại điện tử không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng, thất thu thuế
Thương mại điện tử không được kiểm soát tốt sẽ gây mất công bằng, thất thu thuế

Thương mại điện tử đang là cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt Nam, nhưng cũng là môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt, nhiều thách thức, ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế và các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN