"Made in Vietnam" dần chiếm lĩnh thị trường
Từ chỗ chủ yếu đầu tư cho xuất khẩu, đến nay, Tổng công ty May 10 đã đầu tư nhiều hơn cho thị trường nội địa, thông qua các hoạt động như nghiên cứu thị trường, đổi mới mẫu mã phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, phát triển kênh phân phối...
Bên lề Triển lãm thành tựu 10 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của ngành Công Thương vừa qua, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho biết, nếu bỏ ngỏ một thị trường đầy tiềm năng gần 100 triệu dân như Việt Nam thì sẽ là thiếu sót lớn.
Theo ông Việt, những năm qua, nhu cầu về thời trang, "mặc đẹp" của người tiêu dùng trong nước ngày càng lớn. Nếu hàng trong nước không đáp ứng được, họ buộc phải mua hàng thương hiệu nước ngoài. "Không chỉ May 10, nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may khác cũng đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường nội địa", ông Thân Đức Việt cho hay.
Việt Nam trước nay vẫn được coi là công xưởng, chuyên gia công hàng hóa cho nước ngoài, nhưng gần đây, Việt Nam đã sản xuất được nhiều mặt hàng chất lượng cao, không chỉ hàng tiêu dùng mà cả hàng công nghệ cao như điện thoại, ô tô... phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Trong khâu phân phối, hàng Việt được tạo điều kiện ngày càng tốt hơn để dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Việt Nam cho biết, siêu thị đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức các tuần lễ nông sản an toàn như Tuần lễ Vải thiều Lục Ngạn, Tuần lễ Nhãn lồng Hưng Yên, Tuần lễ Cá Sông Đà - đặc sản tỉnh Hòa Bình - Sơn La, Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La. Qua những sự kiện này, nông sản Việt Nam an toàn đến tay người tiêu dùng Thủ đô, cũng là cơ hội quảng bá hình ảnh hàng Việt.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90 - 93%), Satra (90 - 95%), Vissan (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)... Theo báo cáo năm 2018 của các DN phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60 - 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng)... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
"Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay, chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói.
Những kết quả trên thực sự rất đáng khích lệ, nó cho thấy hàng Việt bước đầu đã tạo được nền móng vững chắc tại thị trường trong nước. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, 10 năm qua, cuộc vận động đã tạo được niềm tin và sự quan tâm mua sắm, tiêu dùng trong phần lớn người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng hóa thương hiệu Việt, đồng thời, khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.
Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, cuộc vận động đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu chuyển qua xuất siêu trong những năm gần đây. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Năm 2010, Việt Nam nhập siêu tới 12,5 tỷ USD thì năm 2018 đã xuất siêu gần 7,2 tỷ USD.
Sức ép trong bối cảnh mới
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tiếp tục duy trì cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" ở những năm tiếp theo, tuy nhiên cần có sự thay đổi cho phù hợp với điều kiện mới.
Hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là xu hướng chủ đạo. Việc mở rộng thị trường quốc tế sẽ làm tăng tính đa dạng với thương mại trong nước, tuy nhiên cũng làm tăng sức ép cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu. Hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với hàng ngoại, ngay trên sân nhà. Đồng thời, các DN Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức không nhỏ, trong đó phải kể đến là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu sẽ lớn dần, cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành, một số sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường.
Việc kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa mặc dù đã được cơ quan quản lý quan tâm, các hệ thống phân phối hỗ trợ song còn chưa mạnh, nhất là kết nối hàng hóa của các DN vừa và nhỏ, hàng hóa tại khu vực nông thôn.
Để cuộc vận động ngày càng đi vào thực chất, tạo thêm sức mạnh cho hàng Việt, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giúp DN tăng sức cạnh tranh. Bộ cũng khuyến khích thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng, khuyến khích phát triển các loại hình DN thương mại kinh doanh hàng hoá chuyên ngành hoặc kinh doanh hàng hoá tổng hợp, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, các công ty kinh doanh dịch vụ logistic.... Điều này sẽ góp phần tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình): Cần tiếp tục duy trì cuộc vận động
10 năm qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã trở thành một động lực quan trọng giúp người Việt Nam chuyển đổi nhận thức sử dụng hàng hóa. Đồng thời, các DN Việt Nam đã có chuyển đổi tích cực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Điều đó đã làm cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt DN Việt Nam, có bước phát triển quan trọng.
Từng năm một, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có sơ kết, đánh giá, nêu ưu điểm, chỉ ra hạn chế để người dân và DN có trách nhiệm trong thực hiện cuộc vận động này. Cuộc vận động cũng làm cho giá trị hàng hóa của Việt Nam tăng lên. Sắp tới, cuộc vận động ngày càng được củng cố, tăng cường, hiệu quả tăng lên.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cuộc vận động cũng có hạn chế. Đầu tiên là sự chuyển biến nhận thức chưa rộng rãi với tất cả người dân. Vẫn nhiều người quan niệm cứ hàng ngoại là tốt. Một số sản phẩm, như dầu gội chẳng hạn, người tiêu dùng muốn dùng hàng nước ngoài. Thứ 2, khi hàng Việt Nam chiếm được cảm tình của người Việt thì lại sinh ra một số đối tượng nhái hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam, lấy thương hiệu Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
10 năm đă qua, mặc dù nền kinh tế Việt Nam hiện nay có độ mở rất lớn, hội nhập sâu rộng, hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều, chúng ta vẫn nên duy trì cuộc vận động này, nhằm tạo điều kiện cho DN Việt Nam phát triển. Tất cả các nước, chẳng hạn như Hàn Quốc, Nhật Bản, đều rất khuyến khích người dân dùng hàng nội. Khi DN Việt Nam phát triển thì mới có nguồn lực để thay đổi máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.