Theo đó, Cục Hải hàng Việt Nam nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các cảng vụ quản lý hoạt động tàu container yêu cầu các hãng tàu vận tải container cung cấp và cập nhật thông tin giá cước, phụ thu giá vận tải container quốc tế và nội địa bằng đường biển trên các tuyến vận tải container xuất phát từ khu vực cảng biển do cảng vụ quản lý.
Đồng thời, đăng tải bảng thông tin giá cước công khai trên trang thông tin điện tử của cảng vụ hàng hải, gửi đường dẫn đăng tải bảng giá về Cục Hàng hải Việt Nam để thực hiện kết nối trực tiếp với trang thông tin điện tử của đơn vị này.
Chia sẻ về khó khăn khi giá cước vận tải biển tăng cao, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại Hải Phòng cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ xuất khẩu vài trăm container/tháng. Số lượng này rất khó để liên hệ ký hợp đồng trực tiếp với các hãng tàu nên phải thông qua forwarder (đơn vị giao nhận trung gian).
Tuy nhiên, đội ngũ forwarder hiện có rất nhiều hội nhóm trên mạng xã hội Facebook, Zalo với nhiều mức giá cước đưa ra trên cùng một chặng. Điều này khiến chủ hàng không biết nên lựa chọn bên trung gian nào để được mức giá sát với giá niêm yết của hãng tàu.
Vì vậy, việc cơ quan chức năng yêu cầu các hãng tàu công khai, niêm yết giá cước vận tải container, phụ thu ngoài giá sẽ giúp các chủ hàng Việt Nam nắm bắt được khung giá chuẩn trên từng tuyến, từng chặng để chủ động làm việc với đại lý giao nhận, tránh được mối lo bị bắt chẹt, làm giá.
Một tín hiệu vui cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam là mới đây hãng tàu CMA-CGM (Pháp) đã ra thông báo cam kết không tăng giá cước vận tải container ở Việt Nam đến tháng 2/2022
Đại diện hãng tàu CMA-CGM tại Việt Nam cho biết, kể từ đầu năm 2021, giá cước vận tải container tăng liên tục do tắc nghẽn tại cảng, mất cân bằng rất lớn giữa nhu cầu và năng lực vận tải.
Các đợt tăng giá cước theo xu hướng thị trường được dự báo còn kéo dài trong vài tháng nữa, nhưng CMA-CGM quyết định sẽ dừng tăng giá cước vận tải container do các thương hiệu của tập đoàn (CMA CGM, CNC, Containerships, Mercosul, ANL, APL) vận hành từ nay đến ngày 1/2/2022.
Trong thời gian thông báo giữ giá cước, nếu tình hình cung - cầu thay đổi, các yếu tố hình thành chi phí giảm xuống, hãng tàu cũng sẽ có chính sách điều chỉnh giá phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Cũng theo đại diện CMA-CGM, thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, hàng hóa CMA-CGM vận chuyển từ thị trường Việt Nam tăng trưởng 20%. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bên cạnh chính sách về giá, đội tàu phục vụ tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ của CMA-CGM đã nâng cấp nâng lực lên sức chở 15.000 TEUs. Trong 6 tháng đầu năm, CMA-CGM cũng đầu tư thêm 360.000 container mới để nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt container rỗng.
Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, nếu trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hàng xuất từ cảng biển Việt Nam qua cảng Long Beach (Mỹ) giá cước chỉ 1.800 USD/container thì đến nay, giá cước cùng chặng đã tăng đến 4 - 5 lần.
Với tuyến dịch vụ từ cảng Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ, nếu thời điểm tháng 5/2021 cước vận tải mới khoảng 6.000 USD/container, thời điểm tháng 8/2021 tăng đến 9.000 - 15.000 USD (tùy từng tuyến).
Do đó, việc hãng tàu CMA-CGM thông báo không tăng giá tín hiệu rất vui, giúp các chủ hàng Việt Nam có thể kỳ vọng thị trường giá cước vận tải container sẽ dịu bớt trong thời gian tới.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin về việc Cục Hàng hải Việt Nam đã lập các đoàn kiểm tra việc tăng giá cước vận tải cũng như các loại phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ.
Qua kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển của các hãng tàu có tuyến hoạt động đi châu Âu, châu Mỹ cho thấy, đối với khách hàng ký hợp đồng dài hạn, giá cước được giữ cố định và không bị điều chỉnh bởi sự thay đổi giá trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Với chủ hàng nhỏ không ký hợp đồng vận tải dài hạn, giá cước thả nổi theo thị trường.
Cục Hàng hải Việt Nam đã chấn chỉnh và khuyến nghị các hãng tàu thực hiện đúng quy định về công khai minh bạch giá cước vận tải; có cam kết về lịch trình, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa. Trong trường hợp tự cắt tuyến, cắt chuyến, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt.