Đại diện hãng tàu CMA-CGM tại Việt Nam cho biết, kể từ đầu năm 2021, giá cước vận tải container tăng liên tục do tắc nghẽn tại cảng, mất cân bằng rất lớn giữa nhu cầu và năng lực vận tải.
Các đợt tăng giá cước theo xu hướng thị trường được dự báo còn kéo dài trong vài tháng nữa, nhưng CMA-CGM quyết định sẽ dừng tăng giá cước vận tải container do các thương hiệu của tập đoàn (CMA CGM, CNC, Containerships, Mercosul, ANL, APL) vận hành từ nay đến ngày 1/2/2022.
“Chính sách giá này được áp dụng cho tất cả các tuyến dịch vụ, không phân biệt xa gần (Mỹ hay châu Á) và đối với tất cả khách hàng, kể cả khách hàng vãng lai (sử dụng giá thời điểm), không có hợp đồng dài hạn”, đại diện CMA-CGM thông tin.
Trong thời gian thông báo giữ giá cước, nếu tình hình cung - cầu thay đổi, các yếu tố hình thành chi phí giảm xuống, hãng tàu cũng sẽ có chính sách điều chỉnh giá phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Cũng theo đại diện CMA-CGM, thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, hàng hóa CMA-CGM vận chuyển từ thị trường Việt Nam tăng trưởng 20%. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bên cạnh chính sách về giá, đội tàu phục vụ tuyến dịch vụ từ Việt Nam đi Mỹ của CMA-CGM đã nâng cấp nâng lực lên sức chở 15.000 TEUs. Trong 6 tháng đầu năm, CMA-CGM cũng đầu tư thêm 360.000 container mới để nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu hụt container rỗng.
Đánh giá về động thái của hãng tàu CMA-CGM, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam hoan nghênh việc hãng tàu CMA-CGM đã triển khai chính sách bình ổn giá cước kịp thời để hỗ trợ chủ hàng nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam nói riêng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19.
“Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị thời gian tới, CMA-CMG sẽ tiếp tục ủng hộ khách hàng Việt Nam, phối hợp với các cảng vụ hàng hải trao đổi các giải pháp để tiếp tục đưa thêm tàu và container rỗng vào phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu đang có tốc độ tăng trưởng mạnh của Việt Nam", ông Giang nói.
Đồng thời, đề nghị hãng tăng cường trao đổi, phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam để xây dựng những chính sách quản lý giá phụ thu, đặc biệt là giám sát hoạt động của các forwarder (đại lý giao nhận), tránh trường hợp khách hàng bị “làm giá”, ảnh hưởng đến uy tín của hãng tàu và thị trường xuất nhập khẩu Việt Nam.
Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết, nếu trước thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, hàng xuất từ cảng biển Việt Nam qua cảng Long Beach (Mỹ) giá cước chỉ 1.800 USD/container thì đến nay, giá cước cùng chặng đã tăng đến 4 - 5 lần.
Với tuyến dịch vụ từ cảng Việt Nam đi bờ Tây nước Mỹ, nếu thời điểm tháng 5/2021 cước vận tải mới khoảng 6.000 USD/container, thời điểm tháng 8/2021 tăng đến 9.000 - 15.000 USD/container (tùy từng tuyến).
Do đó, việc hãng tàu CMA-CGM thông báo không tăng giá tín hiệu rất vui, giúp các chủ hàng Việt Nam có thể kỳ vọng thị trường giá cước vận tải container sẽ dịu bớt trong thời gian tới.
Trước đó, TTXVN đã đưa tin về việc Cục Hàng hải Việt Nam đã lập các đoàn kiểm tra việc tăng giá cước vận tải cũng như các loại phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu có tuyến dịch vụ đi châu Âu, châu Mỹ.
Qua kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển của các hãng tàu có tuyến hoạt động đi châu Âu, châu Mỹ cho thấy, đối với khách hàng ký hợp đồng dài hạn, giá cước được giữ cố định và không bị điều chỉnh bởi sự thay đổi giá trong thời gian hợp đồng còn hiệu lực. Với chủ hàng nhỏ không ký hợp đồng vận tải dài hạn, giá cước thả nổi theo thị trường.
Cục Hàng hải Việt Nam đã chấn chỉnh và khuyến nghị các hãng tàu thực hiện đúng quy định về công khai minh bạch giá cước vận tải; có cam kết về lịch trình, chỗ trên tàu và bảo đảm đủ lượng container rỗng để vận chuyển hàng hóa.
“Trong trường hợp tự cắt tuyến, cắt chuyến, cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam sẽ áp dụng các chế tài để quản lý chặt. Các chủ hàng nên xem xét làm việc trực tiếp với các hãng tàu để tránh việc tăng giá từ các khâu trung gian; đồng thời, có kế hoạch sản xuất, nhập hàng sớm để ký kết các hợp đồng dài hạn với các hãng tàu”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay.