Hàng hóa rục rịch tăng giá theo xăng

Sau khi Bộ Tài chính cho phép các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tăng giá bán xăng dầu từ chiều 13/8, nhiều doanh nghiệp vận tải, taxi đã tính đến phương án tăng giá cước vận chuyển; trong khi đó, giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng đang rục rịch tăng.


 

Mỗi lần tăng giá xăng, các mặt hàng thực phẩm lại được dịp tăng theo (ảnh minh họa).

 

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết: “Với đợt tăng giá xăng dầu lần này, doanh nghiệp taxi buộc phải tăng giá cước và khả năng tăng khoảng 500 đồng/km”. Ông Hồ Huy, Tổng giám đốc công ty Mai Linh, cho biết cũng đang cân nhắc điều chỉnh giá cước taxi và vận tải theo hướng tăng từ 500 - 1.000 đồng/km.


Trong khi đó, theo Hiệp hội vận tải TP.HCM, các doanh nghiệp cũng đang đề nghị được tăng giá, bởi qua 2 đợt tăng giá xăng liên tiếp vừa qua đã lên tới 1.900 đồng/lít. Ông Trương Minh Thế - Hợp tác xã vận tải 14, cũng cho biết đơn vị ông hiện đang có các hợp đồng đưa rước học sinh ở các trường trên các quận Tân Bình, Tân Phú và quận 12 với mức giá 230.000 đồng/học sinh/tháng, trước mắt hợp tác xã vẫn giữ nguyên giá nhưng nếu khó khăn về tài chính do giá xăng tăng cao thì buộc phải tăng mức phí vận tải lên 250.000 đồng/học sinh/tháng.


Không chỉ các doanh nghiệp taxi, các doanh nghiệp vận tải hành khách, vận tải hàng hóa đang có kế hoạch tăng giá để bù lỗ, thì nhiều mặt hàng thực phẩm cũng đã tăng giá. Theo đại diện chợ đầu mối nông sản Bình Điền (quận 8), một số mặt hàng rau xanh đã tăng giá từ 1.000 - 2.000 đồng/kg.


Riêng mặt hàng hải sản, mức dao động cao hơn, cụ thể: cá nục có giá 26.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tuần), cá thu có giá 130.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng/kg).


Giá thịt heo hơi ở các tỉnh miền Đông và miền Tây cũng bắt đầu tăng. Theo đó giá heo mỡ trước đây khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg thì nay tăng lên 45.000 - 46.000 đồng/kg; giá heo nạc từ 40.000 - 45.000 ngàn đồng/kg đã tăng lên 52.000 đồng/kg.


Một chủ ngành hàng thịt heo tại chợ đầu mối Hóc Môn cho biết: “Thịt heo về chợ giảm về lượng nên giá đã bắt đầu tăng khoảng 10%, lần tăng này chủ yếu do giá xăng tăng ảnh hưởng đến giá dịch vụ vận chuyển hàng vào chợ cho nên các tiểu thương mới phải tăng giá bán”.


Thực tế cho thấy, mỗi khi các mặt hàng điện, xăng tăng giá là các mặt hàng lương thực, thực phẩm lại được dịp “té nước theo mưa”. Song mức tăng nhiều mặt hàng dù rất nhỏ cũng khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu hơn nữa.


TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, Nhận định: “Tăng giá xăng đợt này là khá cao, Nhà nước nên giảm thuế xăng dầu để chia sẻ khó khăn với người dân, vì giá xăng dầu tăng thì phí vận tải tăng đồng thời tác động đến hàng hóa, khi đó mớ rau và quả trứng cũng tăng giá. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tính kỹ hơn mỗi lần tăng giá xăng dầu vì tăng giá trong khi doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn về tổng cầu giảm, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu càng khiến hàng tồn kho nhiều hơn, sản xuất đình trệ.



Đ. Phương - H. Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN