Hạn hán vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở Trung Bộ

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện đã bắt đầu mùa mưa, các khu vực trong cả nước đã có mưa trên diện rộng, do đó tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của vụ Đông Xuân 2023-2024 ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản chấm dứt. Song hạn hán, thiếu nước tiếp tục nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở khu vực Trung Bộ.

Chú thích ảnh
Hồ Ông Kinh, ở huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) khô cạn nguồn nước. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Dự báo, vụ Hè Thu 2024, Bắc Trung Bộ có khoảng 6.000 - 8.500 ha gieo trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước. Cụ thể: Thanh Hóa từ 1.500 - 2.000 ha, Nghệ An 3.000 - 4.000 ha, Hà Tĩnh 300 ha,  Quảng Bình 100 – 500 ha; Quảng Trị 1.000 - 1.500 ha; Thừa Thiên Huế 100 - 200 ha.

Khu vực Nam Trung Bộ dự báo có khoảng 9.400 - 13.000 ha gieo trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, gồm: Quảng Nam từ 1.800 - 2.400 ha, Quảng Ngãi 1.300 - 1.800 ha, Bình Định 1.800 ha, Phú Yên 1.500 - 1.700 ha, Khánh Hòa 2.000 - 2.100 ha và Ninh Thuận 1.100 - 3.200 ha.

Tại khu vực Bắc Trung Bộ, dung tích hồ chứa thủy lợi trung bình toàn vùng đạt 50% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 480 hồ có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó có 64 hồ nhỏ dưới mực nước chết (có 29 hồ do đang sửa chữa nâng cấp nên không tích nước).

Tại khu vực Nam Trung Bộ, dung tích bình quân các hồ chứa thủy lợi đạt 55% dung tích thiết kế. Hiện trong vùng có 152/534 hồ chứa có dung tích dưới 50% dung tích thiết kế; trong đó 51 hồ nhỏ dưới mực nước chết (12 hồ do đang sửa chữa nâng cấp không tích nước).

Để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân trong thời gian còn lại của mùa khô, Cục Thủy lợi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Trung Bộ theo dõi, liên tục cập nhật thông tin dự báo khí tượng, dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước.

Các địa phương kiểm kê nguồn nước trữ của từng công trình thủy lợi, tính toán cân đối khả năng cung cấp trong thời gian còn lại của mùa khô, xác định lượng nước ưu tiên nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng cạn và các nhu cầu thiết yếu khác. Địa phương chỉ tổ chức xuống giống cây trồng vụ Hè Thu, Mùa nếu nguồn nước bảo đảm cũng cấp đủ cho cả vụ, các diện tích không đủ nước, xem xét giãn, lùi thời vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Địa phương cần tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn; trường hợp xảy ra thiếu nước, ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là tích trữ nước phân tán quy mô nhỏ theo hộ gia đình, nhóm hộ gia đình, bảo đảm cung cấp nhu cầu tối thiểu cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn.

Bích Hồng (TTXVN)
Đắk Nông kiến nghị hỗ trợ 377 tỷ đồng ứng phó hạn hán
Đắk Nông kiến nghị hỗ trợ 377 tỷ đồng ứng phó hạn hán

Ngày 21/5, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thiệt hại do hạn hán, thiếu nước tưới gây ra và đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN