Hai tháng đầu năm, PVCFC vượt gần 15% công suất sản xuất phân đạm ure

Trong hai tháng đầu năm, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã chứng khoán DCM) đã vận hành nhà máy Đạm Cà Mau an toàn liên tục, ổn định với công suất sản xuất phân đạm ure vượt gần 15%.

Chú thích ảnh
Hoạt động sản xuất tại nhà máy đạm Cà Mau, thuộc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau. Ảnh tư liệu: Huy Hùng/TTXVN

Theo đó, sản lượng ure quy đổi trong hai tháng đầu năm 2024 đạt 165.220 tấn, vượt 8% kế hoạch và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng doanh thu 2 tháng qua ước đạt  hơn 1.405 tỷ đồng, vượt 15% kế hoạch.

Tại cuộc họp với Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam-PVN) Lê Mạnh Hùng cuối tuần qua, đại diện PVCFC cho biết, trong 3 năm qua (2021-2023), sản lượng sản xuất ure quy đổi của PVCFC đạt 2.772 nghìn tấn, bằng 61% kế hoạch 5 năm (2021-2025) được PVN phê duyệt. Nhờ vậy, tổng doanh thu 3 năm qua đạt 39.320 tỷ đồng, bằng 55% so với kế hoạch 5 năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 7.790 tỷ đồng, bằng 74% kế hoạch 5 năm.

Trong năm 2024, công ty tiếp tục thực hiện 7 dự án chuyển tiếp và triển khai đầu tư 6 dự án mới, đồng thời tìm kiếm cơ hội đầu tư 12 dự án. Bên cạnh đó, công ty chú trọng vào hoạt động nghiên cứu phát triển, đáng chú ý là việc thực hiện các thí nghiệm, khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả phân bón tại Trung tâm Nghiên cứu phát triển của phân bón Cà Mau tại Thạch Hóa, Long An với định hướng đây sẽ là trung tâm nghiên cứu lớn nhất khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực nông nghiệp.

Về định hướng chiến lược phát triển trung và dài hạn, PVCFC tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thực hiện chiến lược đến năm 2025 và làm nền tảng cho sự dịch chuyển; trong đó, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2023-2025 dự kiến là 298 tỷ đồng. Bên cạnh đó, PVCFC tiếp tục khai thác thế mạnh về mặt công nghệ nhà máy để tối ưu hóa và mở rộng sản xuất; đầu tư hệ thống kho bãi phục vụ hoạt động logistics; mở rộng hạ tầng phục vụ xuất hàng, lưu trữ nguyên liệu, hạ tầng các hoạt động và kinh doanh, hoạt động chuyển đổi số.

Chiến lược đến 2030 và tầm nhìn đến 2045, PVCFC sẽ tập trung vào phát triển sản phẩm và các bộ giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, nông sản và xuất khẩu, khí công nghiệp và hóa chất, mở rộng kinh doanh quốc tế, dịch vụ bảo dưỡng, vận hành và mở rộng lĩnh vực logistics.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng, để phát triển vững chắc trong tương lai, PVCFC cần đảm bảo nguồn khí ổn định, lâu dài cho sản xuất phân ure đi đôi với mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, PVCFC cần nghiên cứu, đánh giá kỹ Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" để bám sát việc phát triển các sản phẩm phân bón phù hợp. Ngoài ra, PVCFC cần tiếp tục triển khai chuyển đổi số, tăng cường công tác quản trị, vận hành bảo dưỡng nhà máy.

A.N (TTXVN)
Giá phân bón trong nước bám sát đà tăng trên thế giới
Giá phân bón trong nước bám sát đà tăng trên thế giới

Với việc thị trường đã mở cửa sâu rộng, giá phân đạm ure - loại phân bón dẫn dắt các chủng loại khác tại thị trường Việt Nam đang bám sát đà tăng của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN