Hải quan nỗ lực giúp doanh nghiệp cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật

Sau gần 2 năm triển khai, Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (theo quy định tại Quyết định 1399/QĐ-TCHQ của Tổng cục Hải quan) đã giúp hàng trăm doanh nghiệp thành viên cải thiện mức độ tuân thủ, tiết kiệm kinh phí, rút ngắn thời gian thông quan.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Chi cục Hải quan quản lý các Khu Công nghiệp Yên Phong (Cục Hải quan Bắc Ninh) trao Giấy chứng nhận doanh nghiệp thành viên cho đại diện Công ty TNHH Bao bì Zhong Jian Việt Nam.

Tính đến ngày 28/2, cơ quan Hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 289 doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Cụ thể, trong giai đoạn 1 (năm 2022), Tổng cục Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ, đồng thời cùng xây dựng Kế hoạch hành động tự nguyện tuân thủ đối với 213 doanh nghiệp thành viên. Trong giai đoạn 2, Tổng cục Hải quan đã đôn đốc và hướng dẫn, các cục hải quan tỉnh, thành phố chủ động tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Chương trình và được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.

Năm 2023, cơ quan Hải quan đã thực hiện ký kết biên bản ghi nhớ đối với 76 doanh nghiệp, tăng 36% số lượng doanh nghiệp thành viên so với năm 2022 và vượt 16% chỉ tiêu đề ra (theo Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/1/2023 về việc giao chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023). Cũng tính riêng từ năm 2023 đến nay, tỷ lệ phân luồng tờ khai (Xanh-Đỏ-Vàng) của các doanh nghiệp thành viên đã có sự cải thiện, qua đó, tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa giảm đã giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan.

Thống kê từ Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho thấy, tình hình phân luồng tờ khai của các doanh nghiệp thành viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến tháng 2/2024, đối với hàng hóa nhập khẩu, tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng 6,16%; tờ khai luồng Vàng giảm 5,61% và tờ khai luồng Đỏ giảm 0,55%. Tương tự, đối với hàng hóa nhập khẩu, tờ khai luồng Xanh tăng 14,42%; tờ khai luồng Vàng giảm 13,73%; tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ giảm 0,69%. Số tờ khai luồng Xanh tăng, ngược lại luồng Vàng, luồng Đỏ giảm là do có sự cải thiện về mức độ tuân thủ pháp luật của 101 doanh nghiệp thành viên (chiếm 136% so với thời điểm trước khi triển khai Chương trình).

Điều đáng nói, mức độ tuân thủ của nhiều doanh nghiệp thành viên đã có sự cải thiện hoặc giữ mức độ tuân thủ ở Mức 2 (Tuân thủ cao), Mức 3 (Tuân thủ trung bình) so với thời điểm trước khi tham gia Chương trình. Mức tuân thủ của doanh nghiệp tăng lên là do doanh nghiệp không phát sinh vi phạm trong quá trình tham gia hoặc vi phạm của doanh nghiệp đã quá thời gian đánh giá (365 ngày kể từ ngày có quyết định xử phạt).

Có thể nói, để nâng mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, ở các cục hải quan địa phương căn cứ vào nội dung kế hoạch hành động, tình hình thực tế hoạt động doanh nghiệp đã có những cách làm hay, phù hợp. Các đơn vị đã tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp có mức độ tuân thủ cao, mức độ rủi ro thấp sẽ giảm tỷ lệ tờ khai luồng Vàng, luồng Đỏ, kiểm tra soi chiếu.

Các cục hải quan địa phương đã tiếp nhận và kịp thời hỗ trợ, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp thành viên. Cùng với đó, các đơn vị đã rà soát hồ sơ doanh nghiệp, thực hiện thu thập, cập nhật đầy đủ thông tin của doanh nghiệp vào hệ thống ngành Hải quan, thường xuyên trao đổi các thông tin ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ, xếp hạng của doanh nghiệp. Đồng thời theo dõi, rà soát tình hình hoạt động, mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp thành viên, qua đó đưa ra cảnh báo phù hợp, sát với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

Đơn cử như các Cục Hải quan Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… đã chủ động rà soát việc nợ lệ phí và thông báo ngay cho doanh nghiệp để hoàn thành kịp thời việc nộp lệ phí theo quy định, qua đó góp phần nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.

Cục Hải quan Bình Dương đã căn cứ vào tình hình hoạt động XNK của doanh nghiệp, thông báo cho doanh nghiệp yêu cầu về số lượng tờ khai cần phải duy trì hoặc cần đạt được để giữ mức độ tuân thủ ở mức cao hoặc nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp.

Còn tại Cục Hải quan Quảng Ninh, ngoài tham gia nhóm chuyên trách của Tổng cục Hải quan, Cục đã thành lập Tổ chuyên trách để trao đổi, nắm bắt thông tin triển khai thông suốt, khoa học. Tại các Chi cục hải quan cửa khẩu phân công công chức chuyên quản, cá thể hóa trách nhiệm để công chức chủ động hỗ trợ, giúp doanh nghiệp thành viên cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.

Để tiến tới triển khai chính thức Chương trình, mới đây, Cục Quản lý rủi ro đã phối hợp với Cục Hải quan Quảng Ninh và Cục Hải quan Hải Phòng tổ chức Hội thảo chuẩn bị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình thí điểm hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Hội thảo đã tập trung thảo luận, đề ra một số giải pháp triển khai Chương trình trong giai đoạn mới. Đó là, điều kiện, tiêu chí về đối tượng tham gia Chương trình, mời thêm các hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia với vai trò thành viên danh dự để hỗ trợ, tư vấn. Bố trí nguồn lực để nâng cao hiệu quả của các nhóm hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành viên. Đồng thời, thiết lập cơ chế điều phối, cơ chế kiểm tra, giám sát, theo dõi giữa cơ quan Hải quan và các doanh nghiệp thành viên, cũng như nhận diện doanh nghiệp thành viên trên các hệ thống nghiệp vụ của ngành trên phạm vi toàn quốc.

Tuyết Nhung/Báo Tin tức
Hải quan Hong Kong (Trung Quốc) triệt phá vụ buôn lậu vàng lớn nhất từ trước đến nay
Hải quan Hong Kong (Trung Quốc) triệt phá vụ buôn lậu vàng lớn nhất từ trước đến nay

Ngày 8/4, Hải quan Hong Kong (Trung Quốc) thông báo đã triệt phá vụ buôn lậu vàng lớn nhất từ trước đến nay, thu giữ 146 kg kim loại quý được ngụy trang thành các bộ phận của máy nén khí tại sân bay quốc tế của đặc khu hành chính này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN