Vào những ngày này, đi dọc tuyến Đường 9 lên Hướng Hóa hay tuyến đường Hồ Chí Minh lên các xã vùng cao của huyện ĐaKrông sẽ gặp nhiều người đi vào rừng hái đót. Đây là loại cây mọc tự nhiên trong rừng già, là nguyên liệu để làm chổi đót.
Cây đót được ví như "lộc trời" của đồng bào vùng cao. Ảnh: Vĩnh Trọng/TTXVN
|
Mùa đót chỉ có trong khoảng hai tháng là tháng Chạp và tháng Giêng. Từ đầu mùa, khi hoa đót bắt đầu nở, bà con đã rục rịch vào rừng hái lộc, khi lá cây rừng còn đọng sương sớm, họ đã đi vào rừng sâu để tìm cây đót.
Theo người dân cho biết, đót mọc tùy vùng, có khi mọc ở ven rừng, đi từ nhà chừng hơn 1 cây số là tìm thấy, nhưng có khi cũng đi xa cả 5 hay 7 cây mới kiếm được một lùm đót. Nếu may mắn, trúng lùm to, chỉ lấy một lùm là đủ để mang về bán.
Mỗi ngày, trẻ em trong vùng có thể đi lấy 5 - 7 kg. Với người lớn, mỗi lần đi lấy, họ có thể mang về từ 20 - 25 kg đót tươi, công việc này không quá khó.
Sau khi mang về bản, họ sẽ bán cho thương lái với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg đót tươi. Mỗi ngày, bà con có thể kiếm được trên 100.000 đồng, đây là số tiền không nhỏ với bà con vùng cao.
Em Hồ Thị Thắm ở bản La Lay, xã A Ngo, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị cho biết: Mỗi ngày, em vào rừng kiếm được một gùi khoảng hơn 10 kg đót mang về bán cho điểm thu mua, kiếm được 50.000 đồng.
Em Thắm cho biết thêm, từ trước Tết đên nay, ngày nào, bố mẹ và 3 chị em đi vào rừng hái đót về bán. Nhờ đó, gia đình có thêm tiền để mua đồ ăn Tết và gạo dự trữ…
Anh Nguyễn Thanh Bình, một người chuyên thu mua đót ở xã A Ngo, huyện ĐaKrông cho hay, mỗi ngày có khoảng 15 tới 20 người tới bán, là người dân ở nhiều bản trong xã, và một số xã lân cận.
Có ngày anh thu mua khoảng 5 tạ đót tươi, vào những ngày giữa mùa có khi nhiều hơn. Theo anh Bình, đây mới chỉ là một điểm thu mua nhỏ. Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh có hàng chục điểm thu mua, mỗi ngày hàng tấn đót…
Đối với bà con dân tộc vùng núi tỉnh Quảng Trị, việc có “lộc trời” từ cây đót dẫu không quá nhiều nhưng cũng góp phần cải thiện nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.