Đến thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, thấy trước hiên, sân nhà của người dân vẫn còn những cội mai, chậu cúc khoe vàng sắc thắm. Nơi dọc hai bên quốc lộ (QL) 14 G người dân đang tất bật đi hái đót, gùi đót, phơi đót nhộn nhịp.
Già Đinh Lương nói chuyện về bứt đót. |
Đót là cây bụi mọc nhiều ở hai bên QL14G, kéo dài từ các triền sông, triền suối thuộc thôn Phú Túc xã Hòa Phú đến hết dốc Kiền giáp ranh với xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam)... Hằng năm, cứ vào dịp giáp Tết, từ ngọn đót bung ra một bông dài, gọi là bông đót. Từ mồng 10 tháng Giêng (âm lịch), bà con ở các xã đồng bằng trong huyện như Hòa Phong, Hòa Tiến, Hòa Phú (Đà Nẵng) và các huyện như Điện Bàn, Đại Lộc... (Quảng Nam) lên đây để “bứt” đót rồi bán lại cho các cơ sở sản xuất chổi đót.
Bù lại những vất vả nói trên, thu nhập của người bứt đót cũng rất khá. Ông Đinh Lương, 75 tuổi, trú tại thôn Phú Túc cho biết: Trung bình mỗi ngày, tôi bứt được khoảng 20 kg, nếu là cân tươi thì 5.000 đồng/kg, bình quân thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày/người. Ở thôn Phú Túc có khoảng 80% người Cơ tu sinh sống. Nhờ vào nguồn đót này mà người dân nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cư dân.
Trẻ em Cơ tu tại thôn Pơrning, xã Lăng, huyện Tây Giang đang “vác” đót. |
Mỗi năm, người dân khai thác ở khu vực này khoảng hàng trăm tấn đót tươi. Sản phẩm chổi đót đã có mặt trong và ngoài nước, nhất là các nước như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Hàn Quốc... Hòa Ninh là xã miền núi của huyện Hòa Vang, có mô hình làm chổi đót với quy mô lớn, thu hút hàng trăm lao động tham gia, thu nhập mỗi người khoảng 5 - 7 triệu đồng/năm. Ở xã Hòa Phú, có nhiều hộ gia công bện chổi đót có “thương hiệu”, mang lại thu nhập khá. Cây đót giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng, góp phần đưa nền kinh tế nông thôn miền núi ngày càng khởi sắc.
Phơi đót trên QL14G thuộc huyện Đông Giang. |
Nếu đến huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) vào những ngày giáp Tết. Buổi sớm, khi màn sương trắng xóa còn bao phủ núi rừng Trường Sơn hoang dã nhưng hai bên đường, có đoạn hoa pơlang nở trắng núi đồi, đoạn thì những đồi đót đang mùa trổ hoa màu xanh điểm pha sắc tím, báo hiệu một mùa thu hoạch đót lại về trên vùng đất Tây Giang.
Dọc theo đường Hồ Chí Minh qua các xã Avương, Bhalêê, Atiêng, Lăng… đót được phơi ven đường, sân nhà... Trên đường thì đồng bào Cơ tu đang í ới gọi nhau mang gùi vào rừng bứt đót.
Tại các thôn như R’zượt, Ahu, Tà Vàng, Achinh, Rbượp (xã Atiêng) hay tại thôn Adốc, Aung, Tàlàng, Aruung (xã Bahlêê) chúng tôi bắt gặp những người già, lũ trẻ đang “gùi”, vác đót về nhà.
Ông Bling Apú, Chủ tịch UBND xã Atiêng cho biết "Đót là nguyên liệu để làm chổi đót dùng trong nội địa hoặc xuất khẩu. Người Cơ tu gọi cây đót là atâng. Vùng đất Tây Giang này có nhiều đót, là nguồn lợi lớn của cư dân nơi đây. Hằng năm, bà con nơi đây khai thác đót từ cuối tháng Chạp ra hết tháng Giêng tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh:Tiên Sa