Để thực hiện được mục tiêu này, Điện lực Hải Dương xác định yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo được thiết bị luôn ổn định trong quá trình vận hành lâu dài; kết nối với hệ thống SCADA và hệ thống điều khiển xa từ trạm kết nối về Trung tâm điều độ hệ thống điện vùng/miền đồng thời với việc xây dựng các trung tâm vận hành. Riêng đối với các trạm 110kV xây dựng mới thì bắt buộc thiết kế theo tiêu chí không người trực nhằm không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong quản lý, vận hành hệ thống lưới điện truyền tải.
Đề án xây dựng trung tâm điều khiển và triển khai 6/13 trạm biến áp 110kV vận hành theo mô hình không người trực đã được Điện lực Hải Dương triển khai từ năm 2019. Đến nay, có 6/13 trạm biến áp đã được đưa vào vận hành theo mô hình này. Mục tiêu của Đề án là tập trung thay thế thiết bị, nâng cấp, trang bị hệ thống công nghệ để cho phép Trung tâm điều khiển xa thuộc Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương thu thập dữ liệu vận hành và điều khiển từ xa đối với các thiết bị chính trong các trạm biến áp 110kV.
Khi áp dụng mô hình này tại các trạm biến áp 110kV, công nghệ đã thay thế một số nhiệm vụ của nhân viên vận hành. Lực lượng lao động tại các trạm được cơ cấu, tổ chức lại với số lượng ít hơn. Thay vì 9 lao động/1 trạm biến áp 110kV như trước đây, hiện nay giảm còn 5 lao động tại 1 trạm biến áp ở địa bàn xa hoặc nhóm 10 lao động với Tổ thao tác lưu động quản lý từ 3 đến 5 trạm biến áp 110kV đã được chuyển đổi điều khiển giám sát từ xa. Trung tâm điều khiển xa Hải Dương cũng được trang bị thiết bị để giám sát tình trạng các trạm biến áp không người trực thuộc phạm vi quản lý của trung tâm.
Không chỉ giảm lao động trực tiếp, việc vận hành trạm biến áp không người trực còn giúp nâng cao hiệu quả trong vận hành lưới điện của Hải Dương.
Trạm 110kV Ngọc Sơn nằm trên địa phận huyện Tứ Kỳ đã bắt đầu triển khai vận hành không người trực từ tháng 4/2020. Trạm cung cấp điện cho các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Gia Lộc và thành phố Hải Dương.
Anh Cao Thọ Dũng, Phụ trách Tổ thao tác lưu động số 1, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hải Dương cho biết: “Việc vận hành chế độ trạm biến áp không người trực rất ưu việt. Trước kia, nếu có sự cố, anh em chúng tôi phải có mặt tại trạm để xác định sự cố và xử lý. Còn bây giờ, khi trạm được sự điều khiển và giám sát của Trung tâm điều khiển xa Hải Dương, tất cả các sự cố sẽ được Trung tâm phát hiện và xử lý nhanh hơn, đảm bảo độ cung cấp điện cho địa bàn. Những người còn ở tại trạm có nhiệm vụ kiểm tra sức khỏe thiết bị tại trạm vì "sức khỏe" thiết bị luôn tốt thì sẽ đảm bảo việc vận hành lưới điện ổn định”.
Đối với trạm biến áp 110kV Nguyên Giáp, thuộc địa phận huyện Tứ Kỳ, khi chuyển sang chế độ không người trực, cán bộ nhân viên trạm chuyển về tổ thao tác lưu động số 3 đặt tại trạm 110kV ở Nghĩa An, huyện Ninh Giang để giám sát xử lý sự cố, vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị định kỳ.
Hiện lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh Hải Dương gồm 39 tuyến đường dây; trong đó, có 382,88 km là tài sản của Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương và 4,28 km là tài sản của khách hàng. Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế đang quản lý 13 trạm biến áp với tổng công suất 1.395MVA.
Để nâng cao độ ổn định cung cấp điện, đặc biệt trong giai đoạn nắng nóng hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Hải Dương còn chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Tại các trạm 110kV cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời hệ thống làm mát máy biến áp 110kV bằng nước; phát hiện và ngăn ngừa kịp thời các mối nguy gây ra sự cố... Đồng thời, các đơn vị cũng tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện cao áp…