Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân biểu dương những kết quả mà tỉnh Hải Dương đã làm được trong thời gian qua về công tác quy hoạch, quản lý chất thải rắn. Thứ trưởng khẳng định, hiện nay công nghệ xử lý rác thải và phát điện là khá ưu việt. Mỗi nhà máy xử lý rác thải, phát điện sẽ tạo thêm nguồn năng lượng mới cho phát triển kinh tế của đất nước; góp phần giảm ô nhiễm môi trường do các nhà máy nhiệt điện, thủy điện gây ra hiện nay. Hải Dương nói riêng và Việt Nam nói chung cần kêu gọi đầu tư xây dựng các Nhà máy xử lý rác thải và phát điện với công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Hải Dương từng bước giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải, xây dựng lò đốt rác ở nông thôn và tăng cường kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải với công nghệ hiện đại. Hiện nay, việc xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp vẫn chiếm tới 70% và theo quy hoạch xử lý chất thải rắn đã được Thủ tướng phê duyệt thì đến năm 2025 phải giảm xuống còn 30%.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị tỉnh Hải Dương cần xây dựng quy hoạch xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại; có những thay đổi về cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá, thu hút các nhà đầu tư xử lý rác với công nghệ hiện đại. Hải Dương cũng cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân để hiểu thêm về các công nghệ xử lý rác hiện đại ngày nay, nhất là công nghệ xử lý rác thải và phát điện; không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày. Hải Dương cũng phải quyết liệt trong việc phân loại rác thải tại nguồn, bởi rác chỉ là nguyên liệu khi đã được phân loại. “Khi đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đi khảo sát tại Nhật thì thấy có những nhà máy xử lý rác xây dựng ngay trong các khu dân cư”, ông Nhân chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Hải Dương, hiện tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh vào khoảng 899 tấn/ngày đêm. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị là 307 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 592 tấn/ngày. Việc thu gom rác thải ở khu vực đô thị đã đi vào ổn định, còn ở khu vực nông thôn mới đạt khoảng 75,5% vào năm 2017.
Hiện nay, tỉnh Hải Dương đã phê duyệt quy hoạch 6 khu xử lý chất thải rắn tập trung cấp vùng, cấp huyện gồm: Khu liên hiệp xử lý Việt Hồng, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà; Khu liên hiệp xử lý Bắc An, xã Bắc An, thành phố Chí Linh; Khu liên hiệp xử lý Đông Kỳ, xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ; Khu xử lý Bình Giang, xã Tráng Liệt và thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang; Khu xử lý Cẩm Giàng, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng và Khu xử lý Thanh Miện, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện. Ngoài quy hoạch trên, tỉnh còn quy hoạch các bãi chôn lấp tại các khu vực nông thôn để xử lý rác thải nông thôn với tổng diện tích các bãi chôn lấp đến năm 2020 là 55 ha.
Đối với việc thu gom, vận chuyển, ở khu vực đô thị, Hải Dương có 42 tổ thu gom, 7 hợp tác xã và 4 công ty môi trường thực hiện. Ở khu vực nông thôn có 1.152 đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển; hầu hết các xã đều có các tổ, đội thu gom rác thải.
Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hải Dương cho biết, việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở khu vực đô thị của tỉnh Hải Dương giờ chỉ có hình thức đốt và chôn lấp. Còn ở khu vực nông thôn chủ yếu là phương pháp chôn lấp. Các hố chôn lấp chỉ được đào và rải một lớp vải lót ở dưới rồi đổ rác lên trên nên mỗi khi mưa, các hố chôn lấp này lại biến thành các điểm gây ô nhiễm môi trường. Các loại rác thải phát sinh trong nông nghiệp như vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom hoặc mới chỉ được thu gom vào các bể chứa, chưa được xử lý triệt để. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 835 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 179 bãi chôn lấp hợp vệ sinh được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng.
Cùng ngày, đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở Khu liên hiệp xử lý Việt Hồng, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.