Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết Hà Nội có 30 danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất (ĐGQSDĐ) trong năm 2013, với tổng
diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 238,525ha; trong đó, diện tích
quy hoạch để đấu giá là 70,785ha, diện tích đã đấu giá đến hết năm 2012
là 34,926ha, diện tích dự kiến đấu giá trong năm nay là 20,554ha, ước
thu khoảng 2000 tỷ đồng. Ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội (Ảnh: TTXVN)
Cụ thể, tại thời điểm
này, trên địa bàn thành phố có 20 dự án với diện tích 13,57ha đã hoàn
thiện hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện đấu giá ngay trong quý I, II/2013,
dự kiến tổng số tiền thu về cho ngân sách thành phố khoảng 1.456 tỷ
đồng.
Đó là các dự án tại các xã, phường: Đông Phương Yên, Tân Tiến, Đại
Yên (huyện Chương Mỹ); Nguyên Khê (huyện Đông Anh); Song Phượng (huyện
Đan Phượng); Trâu Quỳ, Đặng Xá (huyện Gia Lâm); Vạn Yên, Tam Đồng, Chu
Phan, Tiến Thắng, Tráng Việt (huyện Mê Linh); Ngũ Hiệp, Tứ Hiệp, Khu
công nghiệp Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì); Kiến Hưng, Dương Nội (quận Hà
Đông); Dịch Vọng (quận Cầu Giấy); Việt Hưng (quận Long Biên).
10 dự án
đang đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự kiến hoàn thành đấu giá trong quý III,
IV tới. Ngoài ra, thành phố sẽ đấu giá các điểm nhà chuyên dùng với số
tiền thu khoảng 35 tỷ đồng.
Ông Khanh nhấn
mạnh trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng hiện nay, các
sở, ngành, quận, huyện phải tập trung thực hiện đấu giá hết các dự án
quy mô từ 5000m2 trở lên, đã hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật; bố trí
đủ vốn và triển khai hoàn thành hạ tầng kỹ thuật các dự án chuyển tiếp
từ năm 2012 để đấu giá thu tiền hoàn trả ngân sách thành phố đã ứng và
tăng thu ngân sách. Các dự án mới chỉ bố trí vốn cho các địa bàn xây
dựng nông thôn mới và địa bàn có khả năng ĐGQSDĐ.
Đối với những dự án đầu tư đã phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn
thực hiện dự án tại các quận, huyện ven đô (Hoàng Mai, Hà Đông, Từ Liêm,
Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì) được chuyển từ hình thức ĐGQSDĐ sang đấu
thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất để tăng nhanh
nguồn thu ngân sách, giảm áp lực bố trí vốn đầu tư hạ tầng khu đất đấu
giá.
Đối với các dự án mới đã được thành phố
chấp thuận chủ trương đầu tư tiếp tục bố trí vốn để hoàn thành quy
hoạch, trên cơ sở đó chuyển sang hình thức ĐGQSDĐ, đấu thầu dự án có sử
dụng đất; tạm dừng việc trình duyệt cho phép thực hiện công tác chuẩn bị
đầu tư các dự án phục vụ đấu giá (quy mô từ 5000m2 trở lên) thuộc thành
phố quản lý.
Đối với các huyện còn lại, do nhu
cầu vốn để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới rất lớn, trong
khi điều kiện ngân sách huyện hết sức khó khăn, thành phố tiếp tục cho
phép mỗi huyện được triển khai từ 2-3 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật
các khu đất đấu giá để tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh yêu cầu UBND các quận,
huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư các dự án đấu giá
đất xen kẹt, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, không đấu
giá được, dẫn đến để đất hoang hóa, tồn đọng vốn đầu tư.
Minh Nghĩa