Hà Nội kêu gọi nhiều hình thức đầu tư nhằm giảm chi ngân sách

Phát biểu tại lễ tổng kết ngành tài chính Hà Nội diễn ra ngày 20/1, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, năm 2017 Hà Nội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong thu chi ngân sách.

Theo đó, thành phố kêu gọi xã hội hóa đầu tư và đầu tư theo hình thức công tư kết hợp, vừa tạo được động lực phát triển, cạnh tranh lành mạnh và hạn chế tư tưởng trông chờ, ỉ lại ngân sách nhà nước.
 
Thành phố Hà Nội sẽ ưu tiên tối đa cho các nhà đầu tư có nhiều tiềm năng, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, giao thông, nước sạch, vệ sinh môi trường, chế biến công nghệ sạch...

Theo ông Nguyễn Đức Chung, việc tiếp tục giảm chi thường xuyên hơn 3% trong năm 2016 đã tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng, giảm gánh nặng khó khăn cho ngân sách, đồng thời có vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách. Mặc dù khó khăn về vốn, năm qua đã phải tính toán tới việc phát hành trái phiếu, nhưng nhờ việc tiết kiệm đã tháo gỡ được vấn đề này. Nhờ đó, năm 2017 không phải trả nợ lãi suất cho việc phát hành trái phiếu.

Khách hàng giao dịch tại bộ phận kế toán kiểm soát chi của KBNN Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Báo cáo tại hội nghị, ông Hà Minh Hải, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, năm 2016 thành phố Hà Nội không chỉ thành công trong nhiều chỉ số phát triển kinh tế, trong đó tốc độ phát triển GPRP cao nhất trong 6 năm trở lại đây.

Hà Nội rất chú trọng và có nhiều biện pháp đổi mới trong phân bổ, quản lý, điều hành chi ngân sách. Sở Tài chính tập trung rà soát lại định mức, phân bổ nguồn lực để tiết kiệm chi thường xuyên, giành nguồn lực ưu tiên cho đầu tư phát triển. Thành phố đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi theo chỉ tiêu được Bộ Tài chính giao đầu năm là 58,8% xuống còn 55,5%.
 
Cùng với đó, Hà Nội đã đẩy nhanh chi đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo kịp thời kinh phí cho các cấp ngành thực hiện kế hoạch, không để nguồn kinh phí tồn đọng và công trình chậm tiến độ. Thành phố cũng thực hiện triệt để tiết kiệm trong phân bổ và chi tiêu ngân sách cho các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi quản lý hành chính, chi duy trì các dịch vụ công ích, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết để bổ sung nguồn cho chi đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.


Thành phố đã cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, tiếp tục giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong điều hành ngân sách từ 55,5%, giảm còn 52,4% trong tổng chi ngân sách.

Năm 2016, chi ngân sách địa phương của Hà Nội thực hiện gần 75.000 tỷ đồng, trong đó chi cho đầu tư phát triển 33.499 tỷ đồng; các khoản chi thường xuyên thực hiện gần 41.000 tỷ đồng.

Sở Tài chính Hà Nội tham mưu UBND thành phố Hà Nội tiết kiệm chi thường xuyên 1.496 tỷ đồng ngay từ khâu phân bổ dự toán năm 2017, trong đó 1.000 tỷ đồng để bổ sung dự phòng ngân sách, sẵn sàng đáp ứng cho các nhiệm vụ đột xuất.
Nguyễn Văn Cảnh (TTXVN)
Tăng cường rà soát, cắt giảm chi ngân sách
Tăng cường rà soát, cắt giảm chi ngân sách

Sáng 2/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN