Hà Nội gỡ 'nút thắt' trong giải phóng mặt bằng

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, giải phóng mặt bằng luôn được các bộ, ngành, địa phương xác định là công việc khó khăn. Song với thành phố Hà Nội, việc giải phóng mặt bằng lại càng gian nan hơn do đặc thù đất đai ở Thủ đô đắt đỏ. Thế nên, việc giải phóng mặt bằng tại Hà Nội thường kéo dài, vắt qua nhiều thời kỳ khiến giảm hiệu quả đầu tư.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh các ô chôn lấp rác trong bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Ảnh tư liệu: Trung Nguyên/Báo Tin tức

Trong buổi thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 3, HĐND thành phố khóa XVI nhiệm kỳ 2021 -2026, diễn ra ngày 8/12, nhiều đại biểu đã cho rằng, cần gấp rút có biện pháp gỡ "nút thắt" giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Theo ông Đàm Văn Huân (Tổ Đại biểu huyện Gia Lâm) nhận định, thực hiện đầu tư công trên địa bàn thành phố còn hạn chế do giải phóng mặt bằng chậm. Ví dụ về việc này ông Đàm Văn Huân nêu, có không ít dự án trọng điểm của thành phố sau nhiều năm khởi công đến nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động. Đơn cử, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội được khởi công từ tháng 9/2010 với mục tiêu cuối năm 2015 hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Mặc dù đã hơn 10 năm kể từ ngày khởi công nhưng đến nay dự án vẫn chưa hoàn thành đưa vào khai thác.

Trước thực trạng chậm tiến độ do giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến dự án, đại biểu Đàm Văn Huân đề nghị xuất thực hiện thí điểm việc tách hạng mục giải phóng mặt bằng riêng với dự án đầu tư để tăng hiệu quả. Cùng với đó, đại biểu này cũng cho rằng, thành phố cần công bố sớm giá vật liệu xây dựng, bởi nếu chậm công bố giá vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các dự án.

Trăn trở về dự án chậm tiến độ, gây ứ vốn đầu tư công, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, bà Nguyễn Bích Thủy (Tổ Đại biểu quận Cầu Giấy) bày tỏ lo ngại về một số dự án tại địa bàn thành phố đang tốc độ "rùa bò" do lực cản từ giải phóng mặt bằng. Theo bà Nguyễn Bích Thủy, giải phóng mặt bằng một số dự án bị chậm bắt nguồn tư nguyên nhân một số thủ tục hành chính còn bất cập. Ngoài ra, tình hình dịch bệnh cũng khiến cho giải phóng mặt bằng bị đình trệ. Vì thế, thành phố cần đánh giá về việc thích ứng linh hoạt trong công tác cải cách hành chính.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư thành phố Hà Nội, nhận thấy nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn trong thời gian qua, mới đây Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, các sở chuyên ngành có liên quan tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị đảm bảo tiến độ triển khai dự án. Đồng thời, theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tham mưu cho UBND  tháo gỡ các vướng mắc, rào cản pháp lý để đẩy  nhanh giải phóng mặt bằng và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và các năm tiếp theo.

Mặt bằng được xem là vướng mắc tại hầu hết các dự án giao thông hiện nay; trong đó, có các dự án đầu tư công, dù có vốn nhưng vướng mặt bằng nên không thể giải ngân. Vì vậy, mới dẫn đến chuyện, có tiền mà đường chưa thông đang là một thực tế không chỉ ở Hà Nội mà diễn ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước trong quá trình đầu tư triển khai dự án.

Hậu quả từ việc giải phóng mặt bằng chậm còn để lại hệ lụy lâu dài cho xã hội. Việc giải phóng mặt bằng mở rộng ô chôn lấp bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) là một dẫn chứng rõ nét cho nhận định trên. Từ nhiều năm nay, bãi rác Nam Sơn đã quá tải nhưng để giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, lại chưa được triển khai như mong muốn. Đến nay, các cơ quan liên quan và UBND huyện Sóc Sơn đã cơ bản thu hồi xong diện tích đất nông nghiệp nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Nhưng còn đất ở và đất trồng cây lâu năm đang bị vướng mắc, do một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Theo một số chuyên gia về pháp luật, trên thực tế không có ai chịu trách nhiệm về việc chậm giải phóng mặt bằng ở các dự án trên. Do đó, một số chuyên gia, kiến nghị trong thời gian tới, cần nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng để chính quyền, người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện giải phòng mặt bằng; đồng thời, tránh tình trạng chung chung không ai chịu trách nhiệm khi giải phóng mặt bằng "im lìm", dẫn tới "đóng băng" dự án.

Mặt khác, sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai… Bởi, đây là những nội dung chính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở pháp lý thực hiện giải phóng mặt bằng và tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện phức tạp sau này.

Ngoài ra, tạo quỹ “đất sạch” và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư chủ động về mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư, giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách đối với bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Mạnh Khánh (TTXVN)
Hóa giải 'nút thắt' giải phóng mặt bằng
Hóa giải 'nút thắt' giải phóng mặt bằng

Đề xuất việc tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư nhận được nhiều ý kiến ủng hộ, bởi đây là hướng đi rất mới có thể giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn đầu tư công, giúp hóa giải tình trạng hàng nghìn dự án trên cả nước đang chậm tiến độ do những nút thắt về mặt bằng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN