Hà Nội: Giá rau xanh, thực phẩm tăng khoảng 30 - 50%

Mặc dù hôm nay mới là mùng 4 Tết, nhưng nhiều người đã mở bán hàng từ rất sớm. Một số trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích còn mở cửa từ mùng 1 Tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Chú thích ảnh
Quầy bán rau xanh tại chợ Hàng Bè. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Qua khảo sát tại một số điểm chợ ở Hà Nội như chợ 8/3, Phan Huy Chú, Trại Găng, Thành Công, Chợ Hôm Đức Viên, Nguyễn Công Trứ…, giá các mặt rau xanh, thủy hải sản, gia cầm có giá tăng so với trước Tết khoảng 30 – 50%. 

Cụ thể, các mặt hàng rau xanh người dân hay dùng để ăn lẩu như cải cúc 7.000 đồng/bó, bắp cải 15.000 đồng/kg, rau muống 30.000 đồng/mớ, súp lơ 20.000 đồng/cây, cải ngọt 10.000/bó…

Các mặt hàng thủy sản như tôm sú 350.000 - 450.000 đồng/kg, cá chép 95.000 – 105.000 đồng/kg, cá trắm 80.000 - 100.000 đồng/kg, hay các mặt hàng gia cầm như gà trống thắp hương khoảng 160.000 đồng/kg (tăng lên chút ít so với trước Tết), thịt bò từ 200.000 - 350.000 đồng, thịt lợn từ 90.000 - 150.000 đồng/kg…

Chị Lê Kim Oanh, ở phố Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết, chị rất hay đi chợ vào những ngày đầu năm dù giá cả có tăng đôi chút, thậm chí gấp đôi so với những ngày trước Tết nhưng vẫn vui vẻ mua. Thời điểm này vẫn là ngày Tết nên đắt một chút, nhưng rau tươi ngon và không cần phải tích trữ trước Tết.

Bên cạnh những mặt hàng rau xanh, thủy hải sản, gia cầm có tăng giá so với trước Tết, các mặt hàng quả tươi cũng tăng mạnh hơn và người mua cũng nhiều hơn với nhu cầu đi lễ đầu Xuân.

Cụ thể, táo envy từ 200.000 - 300.000 đồng/kg, thanh long từ 70.000 - 90.000 đồng/kg, xoài từ 60.000 - 70.000 đồng/kg, dưa hấu 25.000 - 35.000 đồng/kg, cam vàng từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, cam sành 35.000 - 45.000 đồng/kg…

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân giá thực phẩm tăng không đáng kể là do các doanh nghiệp giảm giá sớm cộng với sức mua thị trường không đạt như kỳ vọng đã giữ giá bán các mặt hàng thực phẩm tươi sống ổn định. Không có hiện tượng "giá Tết" tại các chợ lẻ, chợ lề đường như thông lệ các năm.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đảm bảo giá cả không tăng đột biến, Sở đã ban hành Kế hoạch phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình dự trữ 8.680 tỷ đồng, tổ chức đưa hàng bình ổn đến 10.688 điểm bán hàng (tăng 3.865 điểm) và 3 tổ chức tín dụng tham gia với tổng hạn mức đăng ký trên 2.700 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi. 

Bên cạnh đó, còn có 200 điểm bán hàng của các doanh nghiệp đăng ký với Sở mở cửa bán hàng phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 Tết; trong đó 125 điểm bán hàng mở cửa từ ngày mùng 1 Tết, thêm 75 điểm bán đăng ký mở cửa từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết. Ngày mùng 4 Tết thì hầu hết các cửa hàng, Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã mở cửa trở lại.

Nam Giang (TTXVN)
Giá rau củ quả tăng nhẹ ngày cận Tết
Giá rau củ quả tăng nhẹ ngày cận Tết

Sức mua tăng mạnh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhiều mặt hàng rau xanh, củ quả về các chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh cũng tăng giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN