Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện nay đã 14 doanh nghiệp đã đăng ký triển khai bán hàng lưu động bằng ô tô và xe bus và trong trường hợp cấp bách sẽ kêu gọi doanh nghiệp mở rộng triển khai mô hình này.
Đó là các doanh nghiệp như: Công ty CP Sữa nông trại Ba Vì; Công ty CP Dafusa Việt Nam; Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân; Công ty CP TTTM Lotte Việt Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Dịch vụ Lan Chi; Công ty TNHH Aeon Việt Nam, Công ty TNHH Thực phẩm Lương An; HTX Đầu tư nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì; HTX Nông nghiệp Khánh Phong; Công ty CP Rau an toàn Hà Nội; CLB làng nghề cốm Mễ Trì, HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp An Phát. Riêng Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đăng ký 10 xe bus bán hàng lưu động.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, nguồn cung hàng hóa rất dồi dào. Cụ thể, thành phố chủ động cân đối cung cầu, chỉ đạo các hệ thống phân phối dự trữ hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng.
Khi nguồn cung hàng hóa qua các chợ đầu mối về chợ dân sinh có giảm từ 10-15% do phải đóng cửa. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối hiện đại tiếp tục tăng lượng dự trữ cao hơn từ 1,5- 2 lần so với lượng hàng đang dự trữ; chủ động đưa hàng về các kho trong nội thành.
Một số cơ sở chế biến trên địa bàn cũng tiếp tục tăng công xuất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối, thậm chí có doanh nghiệp tăng 200% … Do đó, hàng hóa thường xuyên đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong mọi tình huống, giá cả ổn định, trừ một số mặt hàng rau ăn lá, bí xanh, thủy hải sản nước mặn tăng nhẹ từ 5- 7%.
Đến nay, Hà Nội đã có 9 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa. Cùng với đó, để sẵn sàng phục vụ hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân khi dịch diễn biến dịch phức tạp hơn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp đăng ký nhu cầu bán hàng lưu động bằng xe ô tô.
Hiện đã có 6 quận, huyện đăng ký 62 điểm điểm bán hàng bằng xe bus, xe ô tô. Ngoài ra, Sở cũng tăng kiểm tra, kiểm soát giá cả, khi tiếp nhận thông tin chợ nào có hiện tượng tăng giá sẽ phối hợp để kiểm tra.
Nhằm mở rộng các "vùng xanh" và thu hẹp "vùng đỏ", UBND quận Tây Hồ đã tổ chức bán hàng lưu động, đưa hàng hóa đến tận tay người dân, để người dân yên tâm thực hiễn giãn các nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống. Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, UBND quận đã chỉ đạo Phòng Kinh tế lựa chọn đơn vị cung cấp thực phẩm tại khu vực bán hàng đã được UBND các phường đăng ký cung cấp thực phẩm; phối hợp với Đội QLTT số 9 kiểm tra, kiểm soát nguồn thực phẩm. Cùng đó, phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu thống nhất danh mục hàng hóa cung ứng, phương thức bán hàng, địa điểm bán hàng tại các khu dân cư đã được UBND đề xuất.
Ông Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết, người dân đến với chợ lưu động trong “vùng xanh an toàn” phải tuân thủ nghiêm thông điệp "5K", xuất trình và nộp thẻ vào chợ hoặc cung cấp thông tin tên, địa chỉ, số điện thoại nếu không có thẻ vào chợ; thực hiện khai báo y tế đầy đủ; không mua hàng khi phát hiện bản thân có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở…
Bác Phạm Thị Hằng, ở phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ bày tỏ, mặc dù khu dân cư nơi bà ở không có ca nào mắc COVID-19 nhưng người dân vẫn thực hiện nghiêm 5K và giãn cách xã hội ở trong nhà không đi ra ngoài đường. Chính quyền tổ chức bán hàng lưu động giúp người dân thuận tiện mua bán; hàng hóa đầy đủ từ rau củ quả tươi và giá cả ổn định.
Theo ông Đàm Mạnh Tuấn, Giám đốc Siêu thị AEON Long Biên, từ ngày 2/8, AEON Việt Nam đã triển khai bán hàng lưu động bán tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên. “Siêu thị AEON Long Biên cam kết, giá bán của các sản phẩm tại điểm bán hàng lưu động luôn bằng giá bán tại siêu thị và sẽ được niêm yết cụ thể ngay tại mỗi điểm bán để người dân có thể dễ dàng tham khảo và an tâm mua sắm. Siêu thị AEON Long Biên đã làm việc với nhà cung cấp để đảm bảo về nguồn hàng và hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa được liên tục. Từ đó, góp phần đáp ứng nhu cầu của người dân quận Long Biên, Thanh Xuân cũng như tại Hà Nội ”- ông Đàm Mạnh Tuấn khẳng định.
Để đảm bảo kết nối nguồn cung hàng hóa cho thành phố Hà Nội, giảm tải lượng hàng hóa về các chợ đầu mối, chợ có tính chất đầu mối hoặc trường hợp chợ đầu mối tạm đóng cửa do dịch, UBND TP Hà Nội đã trưng dụng 5 địa điểm làm nơi tập kết hàng hóa: khu công nghiệp phụ trợ Nam Hà Nội (huyện Phú Xuyên); khu tái định cư – xã Tiên Dược (Sóc Sơn); ô đất trống xã Dương Xá (Gia Lâm); bến xe Yên Nghĩa – phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông); Trung tâm xúc tiến thương mại- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 489 Hoàng Quốc Việt (Bắc Từ Liêm).
Cùng đó, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa, thành phố Hà Nội đã cấp mã nhận diện luồng xanh cho 2.200 ô tô, trên 9.000 xe máy và 14.000 shipper được cấp mã vận chuyển hàng hóa.