Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thi công đường Vành đai 2

Ông Vũ Hà, Trưởng Ban Quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội, Chủ đầu tư dự án đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy cho biết, vì tính cấp thiết và quan trọng của dự án, tất cả các đơn vị liên quan đang dồn sức đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu thông xe tuyến chính trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Thời gian qua, nhiều nơi trên tuyến đường Vành đai 2 chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng. Riêng đoạn Đội Cấn - Bưởi hiện có 8 cây xà cừ; đường Láng có 9 cây nằm trong phạm vi chỉ giới đường đỏ của dự án. Theo thiết kế, khi tuyến đường mới hình thành mở rộng, số cây này sẽ nằm trong lòng đường nên buộc phải chặt hạ. Đây là điều bất khả kháng, nằm ngoài mong muốn của thành phố.

Thi công tuyến đường vành đai 2, đoạn Nhật Tân - Bưởi.

Đường Vành đai 2 là tuyến huyết mạch của Hà Nội nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông và áp lực quá tải xe cộ cho trung tâm thành phố. Hiện nay, cầu Nhật Tân và đoạn Nhật Tân - Sân bay Nội Bài (là một phần của tuyến đường Vành đai 2) đã đưa vào khai thác nên áp lực giao thông càng lớn hơn bởi các dòng giao thông sẽ bị thắt nút khi qua khỏi cầu Nhật Tân hướng về nội đô. Vì vậy, việc sớm hoàn thiện đoạn Nhật Tân - Bưởi của tuyến đường Vành đai 2 có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc giao thông của thành phố, đồng thời đây cũng là trục đường đưa đón các đoàn khách ngoại giao quốc tế đi và đến Hà Nội.

Việc chặt và thay thế cây xanh liên quan dự án đi qua đã được Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nghiên cứu trong quá trình lập dự án. Cụ thể, tuyến đường Bưởi hiện trạng có mặt cắt nhỏ hẹp, cây nằm sát hai bên đường. Theo quy hoạch tuyến đường Vành đai 2 và theo thiết kế của dự án được duyệt, tuyến đường mới hình thành có mặt cắt rộng hơn, nên vị trí cây hiện tại sẽ là vị trí lòng đường trong tương lai.

Ông Vũ Hà nhấn mạnh, dự án đã được gia hạn Hiệp định hai lần (đến 31/12/2016) và đây gần như là hạn cuối cùng, đang gây áp lực lớn về thời gian và tiến độ. Nếu vì nguyên nhân nào đó phía Hà Nội làm chậm dự án sẽ ảnh hưởng không chỉ đến tình hình giao thông của thành phố mà còn có nhiều khó khăn khác. Đặc biệt, nếu đến hạn mà dự án không hoàn thành và không tiếp tục được Ngân hàng Thế giới tài trợ, thành phố sẽ phải huy động nguồn lực khác để tiếp tục thực hiện công trình.

Trên toàn tuyến thi công ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, bao gồm cả cây trong vườn ươm trên đê đường Bưởi của Công ty Công viên cây xanh và cây được trồng dọc tuyến với tổng cộng hơn 300 cây các loại, chủ yếu được dịch chuyển sang trồng tại các vườn ươm khác, số còn lại không thể dịch chuyển buộc phải chặt hạ để phục vụ thi công đường.

Trên phạm vi đường Láng, đoạn từ Cầu Giấy đến siêu thị Trần Anh còn một số cây cũng cần được chặt hạ để thi công tường chắn và đường dẫn đầu cầu của cầu vượt Cầu Giấy (đường lên và xuống cầu vượt Cầu Giấy). Số cây này đang được Ban Quản lý dự án phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tiến hành các thủ tục chặt hạ nhằm đảm bảo phục vụ thi công công trình.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi phối hợp nghiên cứu kỹ, Sở đã cấp Giấy phép số 106 và 107 cho phép các đơn vị liên quan chặt 17 cây xà cừ đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy và đoạn từ nút giao thông Cầu Giấy về điểm quay đầu xe đối diện Trung đoàn Cảnh sát Cơ động.

Lãnh đạo Sở Xây dựng khẳng định, việc chặt cây hay dịch chuyển cây xanh được thực hiện theo đúng quy trình (do Sở Xây dựng chủ trì), có sự tham gia thống nhất của liên ngành, chứng kiến của chính quyền địa phương và người dân sở tại. Có một số cây không thể dịch chuyển do kích thước lớn, cây già cỗi sẽ khó sống sau khi ươm lại. Việc dịch chuyển (theo lý thuyết và trong thực tế) sẽ mất thời gian và tốn nhiều kinh phí.

Mặc dù phải bảo vệ cây xanh ở mức cao nhất, nhưng trong quy hoạch của Hà Nội, cây xà cừ hiện nay không phải là cây ưu tiên trồng ven đường đô thị do dễ bật gốc trong mùa mưa bão gây mất an toàn giao thông và nguy hiểm đến tính mạng của người dân.

Quy hoạch và thiết kế tuyến đường Vành đai 2 đã được công bố công khai theo quy định. Trước khi Sở Xây dựng cấp giấy phép chặt cây đã tổ chức kiểm tra thực tế, có sự tham gia của liên ngành và đại diện chính quyền địa phương (UBND phường). Sau khi có giấy phép chặt cây, chính quyền địa phương cũng có thông tin trên loa truyền thanh cho nhân dân biết về nội dung liên quan.

Ban Quản lý dự án Đầu tư Phát triển Giao thông đô thị Hà Nội cho biết thêm, trong thiết kế của dự án, ngoài việc xây dựng tuyến đường mới, cũng sẽ bố trí hệ thống cây xanh mới dọc 2 bên đường và tại các vị trí dải phân cách. Đoạn Nhật Tân - Xuân La đã trồng xong hàng cây mới hai bên đường, các đoạn còn lại sẽ được trồng vào mùa xuân 2016.
Bài và ảnh: Nguyễn Văn Cảnh
Hạn chế chặt cây xanh khi thi công đường Vành đai 2
Hạn chế chặt cây xanh khi thi công đường Vành đai 2

Để thi công tuyến đường Vành đai 2, một trong tuyến đường quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội hiện nay phải đi qua vị trí có một số cây xanh. Vì vậy, thành phố Hà Nội chỉ đạo các ban, ngành liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc di dời, thay thế cây xanh khi dự án đi qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN