Hà Nội đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2022 tăng 5%

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng năm 2022 ngành công thương Hà Nội vẫn đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5%.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel tại khu công nghiệp Sài Đồng B (Hà Nội) chuyên lắp ráp hệ thống dây dẫn điện cho các loại ô tô, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ảnh tư  liệu: Huy Hùng/TTXVN

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2022, Sở sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó triển khai có hiệu quả Kế hoạch về hội nhập quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể từ nay đến cuối năm 2022 tổ chức triển khai Kế hoạch về hội nhập kinh tế quốc tế thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021, nhưng ngành dịch vụ vẫn tăng 2,71% so với năm 2020, trong đó giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn bán lẻ là 1,88%. Đặc biệt xuất khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020, một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Cụ thể, hàng dệt may tăng 18,3%, máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 19,8%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 40,2%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 39,3%, giày dép tăng 55%.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, UBND thành phố Hà Nội đưa ra những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, tập trung thực hiện 7 giải pháp chủ yếu, gồm nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp có khả năng thích ứng tốt nhất trong hoàn cảnh mới, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời, thực hiện tốt chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan trung ương trên địa bàn, kết nối cung - cầu lao động để tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ hoạt động kinh doanh, xuất khẩu.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại theo hướng tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tỉnh, thành phố cả nước, hạn chế các hoạt động đơn lẻ nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lặp và lãng phí nguồn lực… Đặc biệt, thành phố Hà Nội hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 5% trong năm nay, trong thời gian tới ngành công thương Hà Nội cần tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thương mại thông qua công cụ và nền tảng trực tuyến, nhất là năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế. Đồng thời, tăng cường các công cụ và biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp cam kết trong các FTA như công cụ về thuế quan, phi thuế quan, tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và thành phố, các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nam Giang (TTXVN)
UKVFTA - Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu
UKVFTA - Chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu

Mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) mới được thực thi trong thời gian ngắn, nhưng đã ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN