Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 2: Làm rõ tính pháp lý hợp đồng BT

Với quy mô vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng triển khai theo hình thức BT, hợp đồng dự án chống ngập do Trung Nam Group làm nhà đầu tư phải được xây dựng chặt chẽ, phù hợp với các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý Nhà nước, hợp đồng dự án này xuất hiện nhiều vấn đề và cần phải rà soát lại để tránh lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước.  

Chú thích ảnh
Ngừng thi công dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.

Hợp đồng BT có vấn đề?

Ngày 27/5/2016, UBND TP Hồ Chí Minh, Trung Nam Group và Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 ký Hợp đồng BT số 2607/2016/HĐ-UBND (gọi tắt là Hợp đồng BT 2607). Đáng lưu ý là khi kết thúc dự án, UBND TP Hồ Chí Minh phải thanh toán cho nhà đầu tư quỹ đất tương đương 1.588 tỷ đồng; đồng thời ngân sách phải hoàn trả 8.338 tỷ đồng bao gồm 7.270 tỷ đồng tiền gốc huy động và  1.036 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. 

Nhận xét về hợp đồng BT nói trên, Liên danh tư vấn Giám sát hợp đồng dự án cho rằng, dự án thực hiện theo hợp đồng BT, nhà đầu tư huy động vốn tự có 1.068 tỷ đồng. Số còn lại lấy từ khoản vay lãi suất ưu đãi 2% từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn cho Ngân hàng BIDV. Sau đó, BIDV cho nhà đầu tư vay lại với lãi suất 3%/năm. Tổng cộng gần 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư còn lại là vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, UBND TP Hồ Chí Minh có trách nhiệm trả khoản vay này. Tuy nhiên, dự án lại được giao cho một nhà đầu tư tư nhân thực hiện với chính sách quản lý tài chính không rõ ràng, thiếu minh bạch. Vì thế, cơ sở pháp lý của hợp đồng BT cần phải rà soát lại. 

Tại Thông báo số 314/TB-KTNN ngày 6/7/2018, Kiểm toán Nhà nước cũng đã chỉ ra nhiều tồn tại trong quản lý thực hiện hợp đồng BT. Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh đàm phán ký kết hợp đồng BT đã chấp thuận tỷ lệ thanh toán bằng quỹ đất là 16% trên tổng vốn đầu tư dự án, tăng 1% so với báo cáo nghiên cứu khả thi được duyệt (15%).

Một số điều khoản hợp đồng BT thiếu chặt chẽ, khu đất phường Phước Long B, quận 9, TP Hồ Chí Minh với diện tích 4,2 ha chưa hoàn tất thủ tục thu hồi, giải phóng mặt bằng, còn tranh chấp nhưng đã xác định là khu đất để thanh toán cho hợp đồng BT dẫn đến tiềm ẩn tranh chấp với nhà đầu tư. Cho đến thời điểm kiểm toán, UBND TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện bàn giao, xác định giá đất để làm cơ sở thanh toán cho hợp đồng BT. 

Nội dung phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp với Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành, dẫn tới việc doanh nghiệp làm dự án chưa thực hiện kê khai, xuất hóa đơn cho UBND thành phố đối với giá trị đã được xác nhận nghiệm thu khối lượng hoàn thành và giải ngân từ Ngân hàng BIDV. Số thuế giá trị gia tăng đầu ra phải nộp đến ngày 31/12/2017 là 282,9 tỷ đồng. 

Cùng với đó, do chưa giám sát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng BT nên dẫn đến chậm yêu cầu nhà đầu tư BT xây dựng 6 trạm quan trắc tại 6 cống kiểm soát triều cường. Đến thời điểm Kiểm toán Nhà nước kiểm toán (từ ngày 6/3 - 5/5/2018), nhà đầu tư chưa thực hiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt định mức, đơn giá làm cơ sở điều chỉnh giá trị hợp đồng, thanh quyết toán khối lượng hoàn thành với giá trị hơn 451 tỷ đồng.

Về cơ chế thanh toán hợp đồng BT bằng quỹ đất, thành phố sẽ thanh toán cho nhà đầu tư khu đất C8A, Khu A - Khu đô thị mới Nam thành phố, quận 7 (5.500 m2), khu đất phường Phước Long B, quận 9 (4,2 ha), khu đất số 232 đường Đỗ Xuân Hợp, quận 9 (31.414 m2). Các khu đất khác sẽ để dùng thanh toán cho nhà đầu tư sẽ được xác định trong hợp đồng BT. Cụ thể là các nhà đất số 118B Trần Đình Xu, quận 1 (445,4 m2), khu đất 3,3 ha tại 290 đường Đào Trí, quận 7, khu đất số 1005 Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú, khu đất số 762 Bình Quới, quận Bình Thạnh (4.298 m2). 

Về quỹ đất nói trên dùng để thanh toán Hợp đồng BT, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, mặt bằng sử dụng là 35,38 ha đất để thực hiện dự án và 7 khu đất dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT nhưng lại chưa được HĐND thành phố phê duyệt. Việc sử dụng và thu hồi đất là thực hiện chưa đầy đủ Nghị định 15/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ và Luật Đất đai 2014. 

Chưa báo cáo chủ trương đầu tư 

Tại văn bản số 5920/UBND-ĐTMT ngày 2/10/2015 gửi HĐND TP Hồ Chí Minh, UBND thành phố đề nghị HĐND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án, thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và ngân sách thành phố. UBND thành phố được xác định là cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi triển khai dự án. Văn bản này cũng thể hiện, nguồn vốn đầu tư dự án do nhà đầu tư huy động vốn chủ sở hữu và vốn vay từ Ngân hàng BIDV để thực hiện đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng. 

Đến ngày 6/11/2015 ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký Quyết định số 5684/QĐ-UBND duyệt đề xuất dự án chống ngập quy mô gần 10.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, UBND thành phố đã không hề nhắc đến phương án thanh toán là ngân sách thành phố như văn bản số 5920/UBND-ĐTMT nói trên mà chỉ nhắc đến phương án thanh toán bằng quỹ đất. Tổng vốn đầu tư dự án được xác định là 9.545,2 tỷ đồng, chưa bao gồm lãi vay. Điều 1 Quyết định này lại không nhắc đến vai trò của UBND TP Hồ Chí Minh trong quá trình triển khai dự án. 

Theo Luật Đầu tư công, dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng là dự án nhóm A nên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở ý kiến của HĐND thành phố. Trong khi chưa trình HĐND thành phố thông qua chủ trương sử dụng vốn đầu tư nhà nước tham gia thực hiện dự án trong kỳ họp gần nhất là vào cuối năm 2015 thì cùng ngày 6/11/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ký văn bản số 6822/UBND-QLDA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương sử dụng vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án. Tổng vốn đầu tư bao gồm lãi vay là 9.850 tỷ đồng.

Thế nhưng, UBND thành phố tiếp tục không nhắc đến vai trò của UBND thành phố. Nguồn vốn đầu tư được xác định từ việc nhà đầu tư huy động vốn từ chủ sở hữu và vốn vay của BIDV. 

Đến ngày 12/11/2015, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5967/QĐ-UBND duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Tại Điều 1 Quyết định này bắt đầu nhắc đến vai trò của UBND Tp. Hồ Chí Minh là “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”; xác định nguồn vốn đầu tư là nhà đầu tư tự thu xếp và huy động nguồn vốn hợp pháp để thực hiện theo đúng quy định pháp luật và hợp đồng dự án. Tổng vốn đầu tư được điều chỉnh từ 9.850 tỷ đồng lên thành 9.926 tỷ đồng.  

Tuy nhiên điều khó hiểu là tại Điều 2, Phụ lục 01 kèm theo Hợp đồng BT 2607/2016/HĐ-UBND lại xác định, trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư dự án không hề có sự tham gia của nhà nước. Trong khi đó, theo Hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng, sau khi kết thúc dự án, TP Hồ Chí Minh phải thanh toán cho nhà đầu tư quỹ đất tương đương 1.588 tỷ đồng. Đồng thời, ngân sách phải hoàn trả 8.338 tỷ đồng bao gồm: 7.270 tỷ đồng tiền gốc huy động và 1.036 tỷ đồng tiền lãi phát sinh. 

Về vấn đề này, tại Thông báo số 314/TB-KTNN ngày 6/7/2018, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, Thường trực HĐND TP Hồ Chí Minh phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên cơ sở UBND thành phố trình nhưng chưa thực hiện báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất về việc chấp thuận chủ trương đầu tư là chưa đảm bảo Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQG11 ngày 2/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra tồn tại trong việc lựa chọn nhà đầu tư khi cho rằng, Tổ chuyên gia tư vấn lựa chọn nhà đầu tư BT chưa đáp ứng đầy đủ năng lực. Cùng với đó đối với lựa chọn nhà thầu, hồ sơ yêu cầu của nhà đầu tư, dự thảo hợp đồng một số gói thầu xây lắp, thiết bị không nêu cụ thể mức tạm ứng và số lần tạm ứng cho bên nhận thầu làm cơ sở tính toán giá đề xuất, chưa phù hợp với quy định Nghị định 37/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ. 

Rõ ràng, việc không thống nhất vốn đầu tư dự án, những bất nhất và việc không báo cáo HĐND thành phố thông qua chủ trương sử dụng vốn ngân sách nhà nước  đã khiến dư luận hoài nghi về tính chất dự án. Việc sử dụng vốn ngân sách trong dự án BT này có thực sự cần thiết, khả thi và có ưu đãi đặc biệt gì hay không đối với chủ đầu tư.

Để triển khai hợp đồng BT có tổng mức đầu tư 9.926 tỷ đồng, Trung Nam Group chỉ được bảo lãnh bởi một tổ chức tín dụng với giá trị 120 tỷ đồng (thể hiện tại khoản 3 Điều 7 Hợp đồng BT 2607), nguồn vốn được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn vay lại theo lãi suất ưu đãi thấp nhất. 

Và cũng theo phương thức thanh toán này, nhà đầu tư dự án không khác gì là nhà thầu được UBND thành phố thuê xây dựng vì thành phố thanh toán quỹ đất có giá trị tương đương phần vốn sở hữu của chủ đầu tư bỏ ra, vốn còn lại thành phố phải trả vừa gốc và lãi. Điều này cũng dễ đưa đến cách hiểu: phải chăng UBND TP Hồ Chí Minh mới là “nhà đầu tư” dự án chứ không chỉ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, còn nhà đầu tư Trung Nam Group phải được hiểu là nhà thầu hoặc người được UBND thành phố thuê thực hiện dự án bằng việc cung cấp nhân lực, thiết bị, công nghệ…? 

Bài 3: Sai sót lớn trong triển khai 

Bài và ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 1: Từ đề xuất của một ngân hàng  
Góc khuất dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng - Bài 1: Từ đề xuất của một ngân hàng  

Dự án chống ngập khu vực TP Hồ Chí Minh do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam làm nhà đầu tư (Trung Nam Group) bị đình trệ hơn nửa năm nay do nảy sinh nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN