Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng chính là kim chỉ nam cho các hoạt động của Tổ công tác đặc biệt. Đó là chỉ ra được các vấn đề đúng và trúng, để làm sao tháo gỡ khó khăn cho các nguồn lực ở các dự án rất quan trọng, đang vướng mắc chưa được giải ngân trong thực tế.
Nêu ra những khó khăn vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, đối với dự án liên quan đến vốn đầu tư công, thường những khó khăn xuất phát từ các quy định hiện hành, như thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công; công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A.
Trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sau khi Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực thì chưa nêu rõ điều khoản chuyển tiếp; dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, phương án thiết kế, chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn chưa được pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể; chế độ, chính sách quản lý đầu tư xây dựng của Nhà nước có nhiều thay đổi…
Ông Hà Minh Hải Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng phân tích những hạn chế đối với quy định áp dụng hợp đồng trọn gói đối với gói thầu xây lắp có quy mô nhỏ (giá trị dưới 20 tỷ đồng); vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, phải kéo dài thời gian dự án nhiều năm; thẩm quyền quyết định đầu tư dự án của chủ tịch UBND cấp tỉnh, cùng sự bất cập trong việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đặc biệt là khó khăn khi chuyển tiếp áp dụng các quy định mới…
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đề cập tới các vướng mắc về việc giao chủ đầu tư dự án, giao lập quy hoạch chi tiết; việc xác định chủ đầu tư đối với các đơn vị đang quản lý, sử dụng đất và vấn đề chấp nhận chủ trương đầu tư đối với dự án đấu giá quyền sử dụng đất có quy mô nhỏ.
Cùng với những vướng mắc trong hoạt động đầu tư dùng nguồn vốn ngân sách, ông Nguyễn Hồng Dương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh cho biết, khi triển khai, thực hiện dự án ngoài ngân sách còn bất cập về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, thủ tục và nội dung chấp thuận đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong dự án, cơ sở xác định dự án thương mại dịch vụ, danh mục dự án, quy mô diện tích sử dụng của dự án…
Trước những vướng mắc trong việc thực hiện các dự án đầu tư của các địa phương, Thứ trưởng Trần Duy Đông chỉ ra, hiện nay, mặc dù cơ chế chính sách đã và đang được hoàn thiện nhưng thực tế, cơ chế, chính sách cũng chưa bao giờ theo kịp được thực tiễn và có nhiều cách hiểu khác nhau cũng nảy sinh nhiều vấn đề khi triển khai. "Tổ Công tác sẽ tổng hợp lại các vướng mắc, để đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi và thống nhất cách hiểu để triển khai thực hiện dễ dàng", Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cũng cho biết, trên cơ sở kết quả làm việc với một số địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương đang gặp nhiều vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, Tổ công tác sẽ đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền; đồng thời, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm khắc phục các vướng mắc trong tình hình mới.