Sau hơn 10 năm hoạt động, thị trường trái phiếu Việt Nam đã có mức tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn ở mức khiêm tốn. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Ngọc Quỳnh (ảnh), Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (WBMA) về vấn đề này.
Thưa ông, ông có thể đánh giá khái quát về bức tranh chung của thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay?
5 năm qua (đến hết năm 2013), tổng giá trị trái phiếu lưu hành trên thị trường tương đương 700.000 tỉ đồng, xấp xỉ 19% GDP của cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kho bạc cũng phát hành khoảng 138.000 tỉ đồng (khoảng 67% kế hoạch năm 2014) đẩy quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam tăng lên khoảng 50.000-60.000 tỉ đồng. Giao dịch trên thị trường thứ cấp ngày càng trở nên sôi động. Khối lượng giao dịch của một phiên giao dịch hàng ngày đã có sự tăng lên đáng kể. Ví dụ năm 2010, khối lượng giao dịch chỉ xoay quanh khoảng 700 tỉ đồng một ngày thì đến thời điểm năm 2013 con số này tăng lên là 1.400 tỉ đồng/ngày. Nửa đầu năm 2014, khối lượng giao dịch một ngày cũng lên đến con số khoảng 1.900 tỉ đồng. Điều này cho thấy quy mô và thanh khoản của thị trường trái phiếu đã được cải thiện đáng kể.
Theo các chuyên gia, những vấn đề về lạm phát, tỷ giá và thanh khoản được dự báo tiếp tục gây khó cho thị trường trái phiếu trong năm 2014. Ông chia sẻ về vấn đề này thế nào?
Thực tế năm 2013 và 2014 cho thấy chưa có tác động của việc lạm phát và tỉ giá đối với sự phát triển của thị trường trái phiếu, thậm chí chúng tôi đang thấy một dấu hiệu ngược lại. Bởi rõ ràng trong hai năm này và đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2014, với việc thực thi chính sách tái cấu trúc nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, đã góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị của đồng nội tệ. Đó là yếu tố cơ bản thúc đẩy, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường trái phiếu. Trong 6 tháng đầu năm 2014, lạm phát được duy trì ở mức 1,38% và chúng tôi kỳ vọng lạm phát tiếp tục ổn định trong 6 tháng cuối năm. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát sẽ được kiềm chế trong mức 5 - 5,5%, đây là những yếu tố hết sức tích cực.
Theo các chuyên gia, rất khó để tìm kiếm thông tin cũng như các cơ sở dữ liệu liên quan đến hoạt động của thị trường trái phiếu, đặc biệt ở khu vực trái phiếu doanh nghiệp. Với vai trò cầu nối, Hiệp hội có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?
Thời gian qua, Hiệp hội đã tổ chức các phiên đối thoại với các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan có liên quan. Những bất cập về khả năng tiếp cận thông tin với thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được chỉ ra. Bộ Tài chính cũng có quyết định về mặt nguyên tắc giao cho Hiệp hội nghiên cứu xây dựng đề án, hình thành một trung tâm thông tin tập trung cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Kèm theo đó là cơ chế thu thập thông tin từ thị trường sơ cấp cho đến thị trường thứ cấp để cung cấp các thông tin cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp một cách minh bạch, đầy đủ trong gian tới.
Theo ông, muốn phát hành trái phiếu thành công trong bối cảnh hiện nay thì các DN cần chú ý điều gì?
Do đặc thù của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian, nên việc hình thành các doanh nghiệp quy mô lớn, có uy tín, và độ minh bạch cũng có những hạn chế nhất định. Thực tế, chỉ có các doanh nghiệp hay tập đoàn doanh nghiệp nhà nước lớn hoặc các doanh nghiệp tư nhân lớn thì mới có thể phát hành thành công trái phiếu. Các cơ quan nhà nước đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các cơ chế, chính sách bắt buộc các doanh nghiệp nâng cao tính minh bạch và giám sát việc minh bạch hóa thông tin của các doanh nghiệp, bảo đảm niềm tin cho các nhà đầu tư.
Xin cảm ơn ông!
Đức Minh (thực hiện)