Giữ nghề làm khô, mắm cá đồng truyền thống tại Kiên Giang 

Với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, bà Lê Thị Kim Thoa, ngụ ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã mạnh dạn khởi nghiệp từ nghề làm khô, mắm cá đồng và đã thành công, góp phần nâng cao giá trị ngành kinh tế của địa phương, đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nữ nông thôn. 

Hiện sản phẩm cá khô của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát do bà Thoa là Giám đốc đã được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh; trong đó Thủ đô Hà Nội là thị trường lớn nhất. Trung bình một năm, Hợp tác xã bán ra thị trường 8 tấn tôm khô và từ 1,5 - 2 tấn mắm...

Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Kim Thoa với các mặt hàng được công nhận sản phẩm OCOP. 

Vượt khó từ nghề làm khô, mắm cá đồng

Hưởng ứng phong trào khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp phát động, bà Thoa đã đầu tư vốn khởi nghiệp từ việc chế biến tôm khô, cá khô các loại với bình quân khoảng 150 kg/ngày, lợi nhuận trên 1 triệu đồng/ngày. Bà Thoa chia sẻ, tuy lợi nhuận cho cao nhưng việc sơ chế cũng khá khó khăn bởi công đoạn sơ chế, chế biến cá khô ban đầu chỉ duy nhất có muối. Vì vậy, vào mùa mưa, cá, tôm tươi nhiều nhưng việc sơ chế thành khô rất khó khăn. Thời gian bảo quản không lâu, cá khô dễ bị nấm mốc do phơi không đủ nắng. Khi đó, cá sẽ được chuyển sang làm mắm, từ mắm lóc đến mắm tôm chua.

Không chỉ dừng lại ở sự nhạy bén, khéo léo trong tìm kiếm, kết nối khách hàng ở các kỳ hội chợ, hội thảo của tỉnh, huyện tổ chức, bà Thoa mạnh dạn phát triển từ hộ kinh doanh lên hợp tác xã để giúp người dân địa phương cùng hưởng lợi. Nhờ cần cù chịu khó, vượt qua mọi khó khăn từ khâu sản xuất cho đến tiếp thị sản phẩm, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát do bà Thoa là Giám đốc đã có một lượng lớn khách hàng.

Theo bà Lê Thị Kim Thoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, những năm trước, mặt hàng tôm nuôi trong dân rất nhiều nhưng giá cả bấp bênh. Với mong muốn phát triển bền vững nghề làm mắm cá lóc, cá khô truyền thống ở vùng sâu Vĩnh Thuận để cải thiện kinh tế, giải quyết đầu ra cho người dân cũng như giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình và người thân trong dòng họ, bà đã nghĩ ra cách thu mua tôm trong hộ dân về làm tôm khô và mắm tôm chua.

Những năm gần đây, bà đã nghiên cứu và thực hiện ướp thêm các loại gia vị trong quá trình sơ chế để sản phẩm khô đạt chất lượng, ngon, hấp dẫn khách hàng. Đặc biệt năm 2021, tất cả 5 mặt hàng khô cá lóc, cá kèo, mắm cá lóc, mắm tôm chua và tôm khô của Hợp tác xã Hiểu Phát đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận sản phẩm OCOP (xếp hạng sản phẩm 3 sao).

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Hợp tác xã gặp nhiều khó khăn về đầu ra, tiêu thụ khó nên số lượng sản xuất giảm. Tuy nhiên, bà Thoa vẫn duy trì hoạt động của Hợp tác xã, đồng thời khắc phục khó khăn để giải quyết việc làm cho người lao động.

Hiện sản phẩm cá khô của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát được tiêu thụ ở trong và ngoài tỉnh; trong đó Thủ đô Hà Nội là thị trường lớn nhất. Trung bình một năm, Hợp tác xã bán ra thị trường 8 tấn tôm khô và từ 1,5 - 2 tấn mắm...

Giữ vững nghề truyền thống

Bà Lê Thị Kim Thoa cho biết, tuy đầu ra sản phẩm cá khô, mắm của cơ sở đã ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc tiêu thụ giảm so với năm trước. Thời gian tới, bà Thoa mong muốn nhận được sự hỗ trợ về vốn cho các dự án sắp tới để thực hiện đúng kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường, hướng đến thị trường xuất khẩu; đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động địa phương.

Chú thích ảnh
Bà Lê Thị Kim Thoa với sản phẩm thủ công đan từ lục bình phơi khô. 

Ông Võ Thanh Xuân, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Vĩnh Thuận khẳng định, ngoài sản phẩm tôm khô, khô cá kèo, mắm tôm chua thì khô cá lóc, mắm cá lóc là đặc sản có từ lâu đời ở vùng U Minh Thượng nói chung, Vĩnh Thuận nói riêng. Vì vậy, việc duy trì sản phẩm từ cá tươi chế biến thành cá khô, mắm cá lóc của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Hiểu Phát không chỉ giữ vững nghề truyền thống mà còn góp phần tiêu thụ được nguồn cá nuôi trong dân, giữ vững được giá cả ổn định, đồng thời giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, giúp người dân dần xóa nghèo để vươn lên. Đặc biệt, sản phẩm đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, tạo thêm cơ hội cho thương hiệu khô, mắm cá đồng ở huyện vùng sâu Vĩnh Thuận vươn ra thị trường trong cả nước.

Bên cạnh đó, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Ruộng Sạ 2, bà Thoa đã tìm hiểu, học hỏi và nhận về gia công thành phẩm đan lục bình ở các tỉnh lân cận. Lúc đầu, bà Thoa đan tại nhà cùng với mấy chị em trong gia đình. Thấy hiệu quả, nhiều người địa phương đến xin học. Đến nay, đã có trên 200 chị em làm công việc này. Mô hình đan lục bình không làm giàu, nhưng trực tiếp giải quyết việc làm lúc nhàn rỗi, giúp chị em có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Bà Lê Thị Kim Thoa cho biết thêm, thời gian tới, Hợp tác xã sẽ đầu tư một số dây chuyền sản xuất, mẫu mã, bao bì và đầu tư máy sấy khô, sản xuất quanh năm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh thực phẩm để tiếp cận được thị trường rộng hơn.

Bài và ảnh: Lê Sen (TTXVN)
Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng
Làng nghề khô cá khan hiếm nguồn cá đồng

Nhắc về Đồng Tháp là nhắc đến mùa nước nổi – khoảng thời gian mang về nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào, nuôi sống biết bao thế hệ con người nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN