Ông Đỗ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay, Bộ đang rà soát lại và hoàn tất Dự án sàn thương mại điện tử nhằm thuận lợi hóa thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu.
Theo ông Chiến, trong thời gian vừa qua, với tốc độ phát triển nhanh chóng của ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt với sự phát triển của Internet, giao dịch thương mại điện tử của các doanh nghiệp Việt Nam tăng mạnh, khối lượng thông tin trao đổi ngày càng nhiều. Tuy nhiên, những vi phạm liên quan đến các thông tin cá nhân cũng ngày một nhiều hơn, gây tâm lý e ngại cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch thương mại điện tử. Kết quả điều tra cho thấy vấn đề bảo mật, an toàn thông tin, trong đó bao gồm cả thông tin cá nhân luôn được các doanh nghiệp đánh giá là một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam.
Sau khi khảo sát, nhiều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến kế hoạch quảng bá rộng rãi hiệu quả của sàn Thương mại điện tử trong nước ra thế giới; mức phí của doanh nghiệp khi tham gia giao dịch trên sàn; đồng thời, các doanh nghiệp cũng lo ngại vì chưa có thói quen kinh doanh trên sàn thương mại điện tử nên không biết nguồn dữ liệu khách hàng của sàn có đáng tin cậy hay không và làm thế nào để kiểm chứng và thẩm định các khách hàng là đối tác nước ngoài…Vì vậy, mục đích của sàn thương mại điện tử là cung cấp các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ kết nối, giao dịch thương mại cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trên toàn quốc, tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như hàng dệt may, thủy sản, nông sản, đồ gỗ, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ và nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như sắt thép, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may, hóa chất…
Uyên Hương