Tại Giáo xứ Vinh An, xã Đức Minh (huyện Đắk Mil), trong 3 - 4 năm trở lại đây hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, đường vào rẫy, ra đồng ruộng đều đã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa, phát triển sản xuất. Hình ảnh những tuyến đường chật hẹp, “nắng bụi mưa lầy” đi lại khó khăn đã cơ bản bị xóa sổ. Tại Giáo xứ Nghi Xuân, xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song), giáo dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, cùng với Nhà nước thực hiện các tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới như bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa nhà ở, xây dựng trường học, trạm y tế, nhà văn hóa cộng đồng. Bà con Giáo xứ Phúc Lộc, Phúc Thành (huyện Cư Jút), Giáo xứ Quảng Đà, (huyện Krông Nô)… đã đóng góp gần 20 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới…
Xây dựng đường theo tiêu chuẩn nông thôn mới tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông). Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Theo Ủy ban đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông, nhiều năm qua, giáo dân nhiều địa phương trong tỉnh đã tiên phong ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và vươn lên làm giàu. Tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách cũng được bà con chú trọng. Về phát triển kinh tế, nhiều hộ dân tại các huyện Đắk Mil, Đắk Song có thu nhập mỗi năm từ nhiều tỷ đồng nhờ trồng tiêu, cà phê. Tiêu biểu như hộ ông Võ Văn Khuân ở Giáo xứ Nghi Xuân, xã Nâm N’Jang; hộ ông Nguyễn Minh Ước, Nguyễn Hoàng Điệp ở Giáo xứ Hương Sơn, xã Nam Bình, huyện Đắk Song… Ông Nguyễn Hữu Tầm, Chủ tịch xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song chia sẻ: Kinh tế gia đình phát triển nên việc chung tay xây dựng các hạng mục thiết yếu về cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, trạm y tế được bà con chú trọng và hết lòng ủng hộ.
Trao đổi với phóng viên về việc mạnh dạn đóng góp, chung tay với cộng đồng, Nhà nước xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Minh Ước, giáo dân Giáo xứ Hương Sơn, xã Nam Bình, huyện Đắk Song, cho biết: Sau khi đã thành công trong phát triển kinh tế, thu nhập được nâng cao, mong muốn của gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trong xã là đóng góp cho cộng đồng trong việc hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông, trường học… Tôi cho rằng việc người dân đóng góp, chung tay với Nhà nước xây dựng nông thôn mới là rất cần thiết do nguồn lực của địa phương còn nhiều hạn chế, trong khi hệ thống đường xá dàn trải, đầu tư rất tốn kém. Các tiêu chí về trường học, trạm y tế tại nhiều khu vực vùng sâu vùng xa rất cần thiết, việc người dân chung tay đóng góp bằng cách hiến đất, hoặc ngày công lao động… sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các công trình này.
Thu hoạch lúa theo mô hình VietGAP tại cánh đồng xã Buôn Choah, huyện Krông Nô (Đắk Nông). Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN |
Ông Cao Tiến Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Nông phấn khởi cho biết: Với tinh thần sống "tốt đời đẹp đạo", "kính Chúa yêu nước", những năm gần đây đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh đã cùng nhau đoàn kết, thi đua thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”. Việc vận động người Công giáo thực hiện nghĩa vụ công dân được đẩy mạnh, từ đó việc thi hành quyền, nghĩa vụ công dân đã trở thành nếp sống, nếp sinh hoạt của bà con, tiêu biểu như việc kêu gọi công dân đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự, việc thành lập và hoạt động của các tổ hòa giải tại các giáo xứ.