Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng chiều dài khoảng 116,577 km, với tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Thời gian chuẩn bị đầu tư năm 2022 và 2023, cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.
Tại tỉnh Đắk Lắk, dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có hai dự án thành phần. Trong số đó, Ban A làm chủ đầu tư dự án thành phần 3 đi qua các huyện Krông Pắc, Ea Kar, Cư Kuin và Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư dự án thành phần 2 đi qua các huyện Ea Kar, M’Đrắk, Kông Bông. Dự án có diện tích rừng đề nghị chủ trương chuyển đổi 169,43 ha; trong đó, rừng tự nhiên 45,51 ha.
Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, việc đề xuất chủ trương và thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Dầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 tại tỉnh Đắk Lắk được triển khai đảm bảo các quy định của pháp luật.
Ngày 15/12/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1369/TTg-NN đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Hiện các đơn vị liên quan đang tiếp tục triển khai các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để phục vụ dự án.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gặp những khó khăn, vướng mắc như dự án phải trình thẩm định lần thứ 2, mất nhiều thời gian trong việc đề nghị xin chủ trương. Nguyên nhân do điều chỉnh một số đoạn tuyến so với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi nên số liệu vị trí, diện tích, hiện trạng rừng tại một số đoạn tuyến điều chỉnh có sự thay đổi, phải thực hiện thẩm định lại từ đầu.
Ngoài ra, trong thời gian thẩm định hồ sơ chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp phải điều chỉnh để phù hợp với dự án. Từ đó, dẫn đến kéo dài thời gian thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.
Theo đại diện của Ban quản lý Dự án 6, dự án thành phần 2 có hơn 135 ha phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hiện rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng và đảm bảo tiến độ dự án. Dù Chính phủ đã có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng và Ban Quản lý Dự án 6 đã triển khai các thủ tục liên quan, đến nay việc triển khai các thủ tục liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại tỉnh Đắk Lắk còn chậm, dẫn đến việc chậm bàn giao mặt bằng cho dự án.
Để đảm bảo tiến độ chung của dự án, Ban quản lý Dự án 6 đề nghị Đoàn giám sát của HĐND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề hoàn thành quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng trong tháng 3/2024 và bàn giao 100% mặt bằng cho dự án thành phần 2 trong tháng 4/2024.
Kết luận buổi làm việc, ông Trần Phú Hùng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng đoàn giám sát số 9 đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai, đẩy nhanh thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và quyết định chuyển mục đích sử dụng đất thống nhất, đồng bộ với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đảm bảo các quy định của pháp luật.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng đoàn giám sát số 9 cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai, khoáng sản, lâm nghiệp, môi trường của các bãi thải, mỏ vật liệu phục vụ dự án để đảm bảo tiến độ thi công công trình. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân chấp hành chủ trương của Nhà nước, nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng để sớm thực hiện dự án.
Đồng thời, UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các huyện có tuyến cao tốc đi qua xây dựng phương án khai thác tận dụng lâm sản sau khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chỉ đạo các cơ quan địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát, quản lý việc tác động đến rừng trong quá trình thi công dự án, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác trồng rừng thay thế trên địa bàn.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, Trưởng đoàn giám sát số 9 cũng yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành, địa phương, Ban Quản lý Dự án 6 và Ban A định kỳ báo cáo tình hình việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án cho đoàn giám sát để nắm bắt được tình hình, tiến độ thực hiện.
Bên cạnh đó, với chính sách cho phép sử dụng đường công vụ để thực hiện dự án, các đơn vị đã thi công lại các tuyến đường công vụ đi lại tương đối thuận tiện. Để khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có phương án, giải pháp quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả, tránh bị xâm chiếm, vi phạm về rừng, trục lợi từ dự án.