Phụ thuộc nhập khẩu
Từ cuối năm 2020 đến nay có tới 14 lần thức ăn chăn nuôi tăng giá. 6 tháng đầu năm 2022, do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng so với cùng kỳ 2021. Nguyên nhân là do giá nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới, dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, một số quỹ đầu tư lớn trên thế giới chuyển sang kinh doanh nông sản, găm hàng và các nước sản xuất ngô, đậu tương lớn như Argentina, Brazil… giảm sản lượng do hạn hán.
Những nguyên nhân từ biến động giá trên thế giới được chỉ ra này cho thấy mức độ phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu của thức ăn chăn nuôi. Hết tháng 6/2022, cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. .
Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, trong tổng số 35 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sử dụng trong nước hàng năm, Việt Nam chỉ tự chủ được khoảng 13 triệu tấn (chiếm khoảng 37%), gần 22 triệu tấn còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài (chiếm 63%). Đặc biệt, trong tổng số gần 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam năm 2021 chủ yếu để phục vụ chăn nuôi lợn (chiếm hơn 55%) và gia cầm ( hơn 40%), còn lại là các vật nuôi khác.
Thức ăn chăn nuôi chiếm từ 60 - 70% giá thành sản phẩm. Cụ thể, trong cơ cấu giá thành sản phẩm thịt lợn, thức ăn chăn nuôi chiếm từ 59 - 65%, chi phí giống chiếm 22 - 24%, còn lại là các chi phí khác (khấu hao thiết bị, chuồng trại, điện, nhân công, thuốc thú y…). Đối với sản phẩm gia cầm, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm từ 69 - 75% giá thành. Do đó, đối với lợn và gia cầm, thức ăn chăn nuôi có vai trò quyết định đến hiệu quả sản xuất.
Tìm giải pháp “sân nhà”
Việt Nam là quốc gia có ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng thứ nhất Đông Nam Á và thứ 2 của châu Á. Thiết bị, công nghệ áp dụng trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng hiện đại và sớm tự động hóa cao. Tuy nhiên, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp trong nước còn phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu, nhất là thức ăn tinh chịu tác động trực tiếp từ nguyên liệu thức ăn trên thế giới.
Theo các chuyên gia, chăn nuôi là ngành kinh tế và kỹ thuật, có mối quan hệ hữu cơ với ngành trồng trọt, thủy sản và công nghiệp chế biến. Sản phẩm đầu ra của ngành trồng trọt và thủy sản là đầu vào của ngành chăn nuôi (ngô, sắn, thóc, đậu tương, đầu tôm, đầu, ruột cá…) còn sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi được tái sử dụng để làm phân bón.
Tuy vậy, ông Dương Tất Thắng cho rằng, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ trồng trọt trong nước (4 nhóm sản phẩm chính là lúa, ngô, đậu tương, sắn) còn hạn chế. Cả nước hiện có khoảng 43 triệu tấn lúa (trong đó khoảng 4 - 5 triệu tấn cám gạo dùng cho chăn nuôi và xuất khẩu), cùng với đó là 43 triệu tấn rơm. Nguyên liệu ngô chủ yếu dùng cho chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Nguyên liệu sắn là nông sản xuất khẩu 1,2 tỷ USD mỗi năm. Còn lại nguyên liệu đậu tương có diện tích trồng không đáng kể.
Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc động vật cơ bản gồm phụ phẩm thủy sản (đầu tôm, đầu cá) và phụ phẩm giết mổ gia súc, gia cầm nội tạng và máu). Phụ phẩm thủy sản cơ bản được dùng hết làm thực phẩm chức năng và sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; trong khi đó, phụ phẩm giết mổ gia súc, gia cầm vẫn được người dân sử dụng trong bữa ăn hàng ngày nên khó thu mua do giá thành cao…
Từ thực tiễn trên, Cục Chăn nuôi đề xuất cơ cấu lại sản lượng thịt tiêu dùng trong nước để cân đối lại sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Trong đó, giảm tỷ trọng sử dụng thịt lợn và tăng tỷ trọng sử dụng thịt gia cầm và gia súc nhai lại; nâng cao năng suất của lợn để sử dụng hiệu quả thức ăn chăn nuôi thông qua cải thiện giống; quản trị chuyên nghiệp và chuyển đổi số trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi; đồng thời, khảo sát và đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để đưa ra các định hướng chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả, nhất là các vùng đất bãi ven sông có thể trồng ngô sinh khối để phục vụ chăn nuôi.
Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước như Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế lâm, Công ty Cổ phần T&T 159 đã phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn để tái sử dụng phụ phẩm ngành trồng trọt hiệu quả. Do đó, Cục Chăn nuôi sẽ phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các cơ sở nghiên cứu nhân rộng mô hình này. Những giải pháp triển khai đồng loạt trên được kỳ vọng sẽ sớm gia tăng nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu trong nước.