Giảm lãi suất điều hành và tác động

Lần đầu tiên trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm các lãi suất điều hành. Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN thời điểm này được cho là phù hợp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó có khả năng giảm lãi suất cho vay dù từ nay đến cuối năm thường là mùa cao điểm vay vốn kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Câu hỏi được đặt ra việc giảm lãi suất điều hành của NHNN mới đây có tác động thế nào đến thị trường và vì sao lãi suất cho vay khó giảm? Xoay quanh chủ đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch vay vốn tại Hội sở BaoVietBank (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về diễn biến thị trường tiền tệ từ đầu năm đến nay?

Từ đầu năm đến nay NNHN đã điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt phù hợp với diễn biến trên thị trường. Điều này được thể hiện qua các chỉ số như lạm phát được kiểm soát dưới 4% , tăng trưởng kinh tế GDP đang đi đúng hướng theo mục tiêu kỳ vọng đạt mức từ 6,7 - 6,8%.

Bên cạnh đó, một trong những dấu hiệu mà hầu hết các chuyên gia và tổ chức tài chính đều quan tâm đó là việc đồng tiền của Việt Nam biến động không nhiều và tỷ giá được kiểm soát tốt. Trong khi đó từ nay đến cuối năm chỉ còn ba tháng, dù có chịu những tác động từ thị trường tài chính thế giới nhưng đồng tiền Việt Nam sẽ biến động không nhiều và nằm trong sự kiểm soát của NHNN.  

Theo ông thì tại sao NHNN quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành ở thời điểm này?

Việc NHNN mới đây hạ lãi suất điều hành 0,25% có thể tác động đến mặt bằng lãi suất nói chung. Thực tế, mặt bằng lãi suất chung nếu giảm sẽ giúp cho sự phát triển của doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.

Câu chuyện giảm lãi suất thực sự rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại khi Việt Nam đang chịu những tác động của nền kinh tế thế giới đầy biến động, rủi ro. Vì vậy, động thái giảm lãi suất của NHNN chính là một động lực giúp các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, góp phần tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu kỳ vọng.

Lãi suất điều hành giảm có tác động lan tỏa đến lãi suất thị trường không, thưa ông?

Ở Việt Nam, lãi suất điều hành có tác động riêng đối với các ngân hàng và các tổ chức tài chính tham gia ở thị trường 2 (thị trường vay mượn vốn lẫn nhau giữa các ngân hàng). Thực tế, giữa thị trường 2 với thị trường 1 (huy động vốn của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế) không có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Nói rõ hơn là hầu hết việc vay vốn trên thị trường 2 là ngắn hạn trong khi việc huy động vốn trên thị trường 1 chủ yếu là trung và dài hạn. Vì vậy, việc giảm lãi suất điều hành sẽ có những tác động đến thị trường 1 nhưng không nhiều.  

Có ý kiến cho rằng, giảm lãi suất điều hành nhưng lãi suất cho vay vẫn khó giảm, ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Thực tế hiện nay thì lãi suất cho vay chưa thấy có dấu hiệu giảm. Thời điểm này các ngân hàng thương mại đang huy động vốn rất nhiều. Từ nay đến cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp vay vốn rất nhiều để hoạt động sản suất, kinh doanh. Hầu hết các ngân hàng thương mại cần đủ thanh khoản để có đủ tiền cho vay.

Một vấn đề khác là quy định các ngân hàng dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã rút từ 45% trước đây xuống còn 40% hiện nay và sẽ tiếp tục rút xuống còn 30% trong thời gian tới theo lộ trình của NHNN. Điều này khiến các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn và việc tăng lại suất huy động vốn sẽ khiến khó có khả năng lãi suất cho vay được giảm.

Tôi cho rằng từ nay đến cuối năm, khả năng lãi suất cho vay sẽ khó giảm, thậm chí là sẽ tăng thêm nhưng không nhiều và chỉ tăng thêm khoảng từ 0,25 - 0,5%.

Việc giảm lãi suất điều hành, nguồn cung tiền tăng, lạm phát liệu có đáng ngại không, thưa ông?

Đến thời điểm này lạm phát mới tăng khoảng 2,7% so với tháng 12/2018 và điều này sẽ không tạo ra lo lắng về việc lạm phát sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, mục tiêu chúng ta đặt ra cho lạm phát là không quá 4% trong năm 2019. Từ nay đến cuối năm, chúng ta còn rất nhiều dư địa để có thể điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát tốt lạm phát.

Ông đánh giá thế nào về diễn biến của thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm thưa ông?

Theo tôi, chính sách tiền tệ sẽ được duy trì ở mức ổn định, kiểm soát được lạm phát và thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt  6,8% như nhiều tổ chức quốc tế dự báo. Do vậy, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, một nền kinh tế được nhìn nhận là tăng trưởng tốt về nhiều mặt; trong đó có xuất khẩu. Đây là những yếu tố lạc quan.

Trong bối cảnh kém lạc quan hơn thì những tác động từ biến động kinh tế thế giới, từ những cuộc chiến thương mại sẽ làm tăng mức độ rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi cho rằng NHNN nên tiếp tục duy trì chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt để thích ứng kịp thời với những biến động; trong đó chú trọng tới việc điều hành tỷ giá và nếu được thì tiếp tục hạ thêm lãi suất điều hành 0,25% nữa nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, người tiêu dùng được vay mức lãi suất hợp lý qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu dùng và đóng góp vào việc duy trì tốc độ tăng trưởng cho cả nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Lan Nhi/TTXVN (thực hiện)
Ngân hàng tăng lãi suất huy động để ‘hút’ tiền
Ngân hàng tăng lãi suất huy động để ‘hút’ tiền

Một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động khá cao, từ 8% - 9% cho thời hạn từ 12 – 18 tháng. Tuy nhiên, để “với” được mức lãi suất này, không phải ai cũng đủ điều kiện vì mức tiền gửi phải ít nhất một tỷ đến vài trăm tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN