Ghi nhận trên thị trường ngân hàng, đối với kỳ hạn 13 tháng, mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại SHB cao nhất là 9%/năm, áp dụng cho số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Tiếp đến là SCB với lãi suất 8,76%/năm nhưng chỉ với số tiền gửi 10 tỷ đồng trở lên. Tại PVComBank, lãi suất là 8,5%/năm cho số tiền gửi 500 tỷ đồng trở lên; Eximbank là 8,4%/năm cho 100 tỷ đồng trở lên.
Namabank có mức lãi suất 8,3%/năm với mức tiền gửi từ 500 tỷ trở lên; tại VietABank là 8,1%/năm dành cho mức tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. LienVietPostbank và Sacombank đều có mức lãi suất 8%/năm nhưng chỉ ưu tiên cho khách hàng gửi tiền từ 300 tỷ đồng trở lên.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế - tài chính TS.LS Bùi Quang Tín, việc ngân hàng tăng lãi suất huy động lên cao trong dịp cuối năm chủ yếu là ngân hàng nhỏ với mục đích chuẩn bị thanh khoản tiền gửi cho vay trung và dài hạn theo quy định của Ngân hàng nhà nước. Chính vì vậy, để hưởng lãi suất này, người gửi buộc phải có số tiền ít nhất từ 1 tỷ đồng trở lên và phải là khách hàng ưu tiên. Đây là số tiền lớn mà không phải ai cũng đủ điều kiện và thời hạn gửi lại quá dài nếu muốn tiếp cận lãi suất cao.
Trong khi đó, những người có nhiều tiền thường là doanh nghiệp lớn hoặc những người làm ăn kinh doanh nên cuối năm là dịp họ “bung tiền” để lấy hàng chuẩn bị cho dịp Tết. Theo đó, nếu có gửi tiết kiệm, các doanh nghiệp cũng chỉ có thể gửi vài tháng ngắn hạn, từ 1 – 3 tháng để dễ dàng linh động rút tiền. Cụ thể như báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên năm 2019 của một doanh nghiệp lớn là Tổng CTCP xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex), cho thấy tổng công ty có “khoản tương đương tiền” hơn 799 tỷ đồng, được thuyết minh là khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại với lãi suất trong kỳ không quá 6%/năm.
Hoặc theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2019 của Tổng công ty IDICO – CTCP cũng có “khoản tương đương tiền” 417 tỷ đồng, thuyết minh cũng cho thấy đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn không quá 3 tháng tại các ngân hàng thương mại, với lãi suất bình quân 4,5-5,5%/năm.
Mặt khác, việc nâng lãi suất huy động cũng là một trong những chiêu trò của các ngân hàng để tăng mặt bằng lãi suất cho vay tăng cao trong dịp cuối năm. Bởi theo quy định, lãi suất cho vay của các ngân hàng thường được tính theo công thức: lãi suất tiền gửi 12 tháng/13 tháng hoặc lãi suất cơ sở cộng với biên độ 3-4%/năm. Do đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hay 13 tháng tăng lên cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay sẽ tăng lên tương ứng.
Chị Vân Anh, ngụ tại quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) lo lắng: “Tôi vay tiêu dùng của ngân hàng TPBank kỳ hạn 3 năm với lãi suất linh động giảm dần. Ba tháng đầu ngân hàng tính lãi suất 17,2%/năm. Trả nợ được 1 năm lãi suất đã lên 17,6% theo lịch 3 tháng tăng lãi suất 1 lần. Giờ đây khoản nợ 100 triệu đồng đã trả được một nửa với tiền lãi lên đến gần 20 triệu đồng. Với tình hình lãi suất tăng cao thế này thì dù dư nợ giảm dần nhưng 2 năm nữa tiền lãi có thể là 40 triệu đồng. Như vậy, nếu vay 100 triệu đồng trong 3 năm mà tiền lãi đến hơn 50 triệu đồng thì số tiền vay mua nhà, mua xe còn cao hơn nữa”.
Thực tế, nhiều ngân hàng hiện nay cho vay với lãi suất ưu đãi thời gian đầu (cho vay mua nhà, cho vay mua xe ô tô...), sau đó lãi suất cho vay sẽ thả nổi theo thị trường. Như tại Techcombank, lãi suất cho vay thả nổi sẽ được điều chỉnh tuỳ đối tượng khách hàng. Theo công bố của Techcombank, đối với khách hàng cá nhân lãi suất cho vay được điều chỉnh hàng tháng dựa trên lãi suất cơ sở. Đối với khách hàng cá nhân lãi suất cho vay cơ sở ngắn hạn là 7,52%, trung hạn là 8,05%/năm, dài hạn là 8,65%/năm.
Hay tại ngân hàng Sacombank, lãi suất 12 tháng đầu được tính ưu đãi 11,5%/năm, sau 12 tháng tiền lãi bắt đầu từ 13,3%. BIDV lãi suất cho vay 12 tháng đầu ưu đãi 8,5%, sau 12 tháng tiền lãi bắt đầu tính từ 11,3%/năm…
Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, lãi suất tiền gửi mặc dù tăng cao nhưng không phải người gửi tiền nào cũng tiếp cận được. Vì thế, đây không phải làm niềm vui cho mọi người mà đôi khi thực tế là nỗi buồn của người đi vay. Ngoài ra, việc ngân hàng nâng lãi suất huy động quá cao trong khi lãi suất liên ngân hàng qua đêm hiện nay lại quá thấp, chỉ 1,8%/năm. “Điều này đi ngược với lợi ích của ngân hàng nếu cạnh tranh huy động bằng cách này, theo đó các ngân hàng sẽ tự triệt tiêu mình vì đi sai cách”, TS.LS Tín chia sẻ.